Là sinh viên năm cuối ngành Kiến trúc, Đại học Xây dựng Hà Nội, Nguyễn Tiến Đại (22 tuổi) đặc biệt ủng hộ trào lưu này, cho biết anh sẽ dành toàn bộ thời gian nghỉ lễ để ngủ sau chuỗi ngày thức đêm làm đồ án. Đại bày tỏ: "Ngủ 5 ngày 5 đêm có lẽ là cách 'chữa lành' tiết kiệm nhất đối với mình. Suốt 1 tháng qua làm đồ án rồi ôn thi, mỗi ngày mình chỉ ngủ được 4 tiếng nên cảm thấy rất thiếu ngủ và mệt mỏi. 5 ngày nghỉ lễ sẽ giúp mình có những giấc ngủ sâu, không còn lo lắng gì đến bài vở nữa".
Theo một khảo sát của trang Wakefield Research, khoảng 37% người trẻ Việt cho biết mình bị mất ngủ, 73% thừa nhận bị căng thẳng do rối loạn giấc ngủ. Điều đáng chú ý là 79% số người tham gia khảo sát nói rằng họ không có thời gian nghỉ ngơi mỗi ngày.
Trào lưu "ngủ 5 ngày 5 đêm" dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 phản ánh những áp lực của nhịp sống hiện đại và mong muốn nghỉ ngơi, thư giãn, cân bằng lại thân thể và tâm trí của bộ phận không nhỏ người lao động.
Liên quan đến các hoạt động dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, ngoài trào lưu "ngủ 5 ngày 5 đêm", trên mạng xã họi còn xuất hiện thêm những từ khoá tương tự như "karaoke 5 ngày 5 đêm"; "5 ngày 5 đêm càn quét đồ ăn mẹ nấu"; "thiền 5 ngày 5 đêm", "thử thách có người yêu 5 ngày nghỉ lễ"...