Văn hóa

Vị Tiến sĩ ‘ra sức học cốt để biết đạo lý làm người’

11/05/2024 06:43

Lý tưởng của kẻ sĩ là đi học, đi thi, làm quan nhưng chỉ xuất thế khi có bậc vua sáng, chúa minh.

Bằng không, sự học chỉ cốt cho biết luân thường đạo lý làm người.

Một lòng hướng về nhà Lê

Đó không chỉ là quan niệm của người xưa mà còn là bài học của Tiến sĩ Nguyễn Thực (1555 - 1637), tự Phác Phủ, người làng Vân Điềm, huyện Đông Ngàn (nay là xã Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội).

Theo một số nguồn sử liệu cũng như gia phả, họ Nguyễn của ông có gốc từ hoàng tộc họ Lý. Sau khi Trần Thủ Độ ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi lại cho chồng là Trần Cảnh, nhà Lý mất và con cháu họ Lý bị bức hại phải bỏ trốn và đổi sang họ Nguyễn. Nguyễn Thực là cháu đời thứ 10 của Nghĩa Nam vương Lý Hưng Tích (là con thứ ba của vua Lý Thánh Tông).

Ngay từ nhỏ Nguyễn Thực đã thông minh, tài trí hơn người. Tương truyền bấy giờ có quan Thượng thư nhà Mạc là Đàm Cư, người làng Mục, bắt dân đinh các làng: Kim Thiều, Ông Mặc, Vân Điềm, Thiết Ứng đi làm phu phen, tạp dịch, trong số đó có Nguyễn Thực.

Nguyễn Thực đỗ đầu bảng hàng Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân trong kỳ thi khoa Ất Mùi (1595).
Nguyễn Thực đỗ đầu bảng hàng Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân trong kỳ thi khoa Ất Mùi (1595).

Thấy dáng người nho nhã, mặt mũi khôi ngô, Đàm Thượng thư gọi ông đến hỏi tên tuổi, gia cảnh, rồi ra một vế đối: “Thập bát lực năng đảm thổ” (Mười tám tuổi đủ sức gánh đất) để thử tài.

Nguyễn Thực lập tức đối lại ngay: “Cửu ngũ long phi tại thiêu” (Hào cửu ngũ quẻ càn có bậc đế vương xuất hiện). Thấy khẩu khí khác thường, Đàm Công lệnh cho huyện quan từ nay miễn sai dịch cho Nguyễn Thực, lại cho tiền đi học và gả cháu gái là Đàm Thị Thanh cho.

Trong thời gian theo học thầy họ Nguyễn ở làng Kim Thiều (nguyên là quan Thượng thư nhà Mạc về trí sĩ), Nguyễn Thực ngày đêm dùi mài kinh sử không sách nào không thông.

Rất nhiều lần thầy khuyên Nguyễn Thực nên đi thi, đem tài năng phục vụ cho xã tắc, về phần mình cũng được vinh thân. Tuy nhiên, Nguyễn Thực một mực từ chối và thoái thác rằng “chỉ cốt học cho biết luân thường đạo lý làm người”. Lý tưởng của kẻ sĩ là đi học, đi thi, làm quan nhưng chỉ xuất thế khi có bậc vua sáng, có bậc chúa minh.

Nguyễn Thực sống trong giai đoạn đất nước cực kỳ rối ren. Chiến tranh liên miên giữa Lê - Trịnh với nhà Mạc, nội bộ nhà Lê cũng xảy ra tranh vị đoạt ngôi. Mặc dù biết vua Lê chỉ là bù nhìn, mọi quyền bính đều nằm trong tay chúa Trịnh, song Nguyễn Thực vẫn coi nhà Mạc là “ngụy” và ông vẫn một lòng chờ đợi vua Lê. Đó là lý do khiến ông mãi 40 tuổi mới ra ứng thí.

Kỳ thi khoa Ất Mùi niên hiệu Quang Hưng thứ 18 (1595), Nguyễn Thực đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ. Cuộc đời quan trường của Nguyễn Thực trải các chức Tán trị công thần, Tham tụng, Thượng thư bộ Lại, Chưởng hàn lâm viện sự kiêm Đông các đại học sĩ, Quốc lão, Thái phó tước Lan quận công, được cử đi sứ nhà Minh.

Suốt 40 năm làm quan, ông đã một lòng phò tá vương triều Lê - Trịnh, lập được nhiều công tích hiển hách. Năm 1606, Nguyễn Thực cùng với đoàn sứ bộ là Ngô Trí Hòa, Phạm Hồng Nho, Nguyễn Duy Thì được cử sang cống nhà Minh. Trên đường đi sứ ông đã làm được 16 bài thơ hiện còn chép trong sách “Toàn Việt thi lục”.

Vì nước, chặt chân con chúa Trịnh

Con đường quan lộ của nhà khoa bảng Nguyễn Thực trải qua khá nhiều giai đoạn, nhiệm vụ khác nhau, từ chính sự, đánh giặc cho đến lo việc thi cử, tuyển chọn nhân tài... Tuy nhiên, việc nào ông cũng chu đáo, trọn vẹn nên được vua Lê chúa Trịnh tin yêu, dân chúng kính phục.

Quyền cao chức trọng, hàm tước tột đỉnh nhưng Nguyễn Thực giữ đạo làm người và đạo làm quan đến mức nghiêm chỉnh của bậc nhà nho quân tử chính thống, không điều tiếng, không phiền lụy, lúc nào cũng giữ đức thuần hậu thanh liêm.

Bởi vậy mà Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” có nhận xét rằng: “Ông là người thuần hậu, trong sạch, cẩn thận, không thu vén cho riêng mình. Làm quan đạt đến tột độ vinh hiển mà vẫn sống thanh bạch, tiết tháo, phong độ sánh với các danh thần thời xưa”.

Gia phả họ Nguyễn ở Vân Điềm do Nguyễn Tư Giản - cháu xa đời của Nguyễn Thực viết lại những mẩu chuyện về cuộc đời Nguyễn Thực cảm động và đáng kính.

Vào khoảng năm Quý Hợi (1623) lúc này Nguyễn Thực làm Thượng thư bộ Lễ, hàm Thiếu Bảo, Trịnh Tùng lâm bệnh nặng liền lập Trịnh Tráng là Thế tử nối ngôi chúa, Trịnh Xuân là em Tráng không phục, muốn đoạt ngôi, bèn huy động dân binh kéo đến phá hoàng cung, gây sức ép buộc Trịnh Tùng phải lập mình làm Thế tử.

Được tin, lập tức Nguyễn Thực tìm gặp Trịnh Tùng và nói rằng: “Xuân làm loạn xã tắc, xin nhà chúa triệu hắn đến, tôi xin đem quân đến dẹp”. Nhưng Trịnh Tùng cứ dùng dằng không quyết. Nguyễn Thực bèn thẳng thắn tâu: “Vương thượng coi con mình hơn hay sự an nguy của xã tắc hơn?”.

Nguyễn Thực vì xã tắc mà chặt một chân của Trịnh Xuân - con chúa Trịnh Tùng. Ảnh minh họa: IT.
Nguyễn Thực vì xã tắc mà chặt một chân của Trịnh Xuân - con chúa Trịnh Tùng. Ảnh minh họa: IT.

Thế rồi ông cùng với Bùi Sĩ Lâm tìm cách dụ Trịnh Xuân đến làng Hoàng Mai vây bắt được và chặt đi một chân. Sau đó ông về báo với Trịnh Tùng: “Chúa vì cốt nhục không nỡ, nhưng tôi đã vì xã tắc mà chặt một chân của Xuân. Hắn là đứa con bất hiếu, đứa tôi bất trung”.

Bản tính thẳng thắn, cương trực, khiến ông dám nói, dám làm, không sợ liên lụy đến thân mình. Gia phả cũng chép sự việc tháng 4 năm 1632, Nguyễn Thực đã vạch tội 2 tên quan tham khét tiếng là Nguyễn Tuấn và Nguyễn Lại.

Chúng đã vơ vét không biết bao nhiêu tiền của trong việc tuyển dụng các chức quan lại, mặc dù được chúa Trịnh rất sủng ái, nhưng cuối cùng bọn Tuấn, Lại vẫn bị cách chức.

Đối với bạn bè đồng triều, Nguyễn Thực sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm, chịu cho quân Mạc bắt để cứu Phùng Khắc Khoan thoát, đem bằng sắc lệnh dụ của nhà Minh về cho vua Lê.

Tuổi cao Nguyễn Thực xin về trí sĩ được vua ban cho hơn 60 mẫu lộc điền. Dẫu rằng chỉ có mấy nếp nhà gỗ và vài ba sào ruộng, song ông đem tất cả số ruộng lộc nhập vào công điền.

Những ngày cuối đời sống trong cảnh thanh bạch ở quê nhà, ông vẫn luôn lo lắng cho dân chúng. Ông xin giảm tô thuế cho dân, tham gia xây dựng đình làng Me, xây văn chỉ, làm hương ước để hướng dân vào thuần phong mỹ tục, xây dựng làng xóm.

Ngày 14/11 năm Đinh Sửu (1637), Tiến sĩ Nguyễn Thực qua đời tại quê nhà ở tuổi 83. Triều đình hay tin đều thương tiếc, quan viên văn võ nhỏ lệ mất đi một bậc cột trụ.

Vua Lê truy tặng ông chức Thái tể và ban cho tên thụy là Trung Thuần công, được hưởng quốc tang. Vua lại cho chọn nơi đất tốt tại đồi Thanh Nhàn, huyện Kim Hoa (nay là Sóc Sơn) để đặt mộ.

Lăng mộ Tiến sĩ Nguyễn Thực.
Lăng mộ Tiến sĩ Nguyễn Thực.

Nối đời cháu giỏi, con hiền

Sau khi Nguyễn Thực qua đời, nhà thờ ông được dựng ngay trên nền đất cũ, nơi ông chào đời. Hàng năm, dân làng Vân Điềm lại đến từ đường họ Nguyễn, tế lễ với nghi thức tế vị Thành hoàng đã có công với quê hương, đất nước. Dân làng Me quê ngoại cũng lập bài vị và thờ ông phối hưởng với Thành hoàng làng.

Con trai ông là Nguyễn Nghi sinh năm 1588, đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1619), làm quan đến các chức Thượng thư bộ Hình, Thượng thư bộ Lễ, Thượng thư bộ Lại, Dương quận công, Thiếu phó.

Vì làm quan đồng triều với cha và đều có tiếng tăm nên được sử sách ca ngợi: “Hai cha con đồng thời làm Thượng thư, được phong tước Quận công, đứng đầu các quan, thực là hiếm có”.

Cháu của Nguyễn Thực là Nguyễn Yến, là võ tướng, tước Hoằng quận công đã từng đi đánh nhà Mạc ở Cao Bằng làm đến Thượng tướng quân. Con của Nguyễn Yến cũng là võ tướng, được phong tước Ninh quận công.

Hai cháu nội Nguyễn Nghi là Nguyễn Khuê và Nguyễn Sĩ đỗ Tiến sĩ, cùng về làng vinh quy bái tổ năm 1670. Con Nguyễn Khuê là Nguyễn Thẩm nối đường vinh hiển của cha 36 năm sau đó (1706). Một người cháu của Nguyễn Thẩm (con của em hàng chú ruột) là Nguyễn Thưởng đỗ năm 1754.

Khởi nguồn khoa bảng từ Nguyễn Thực, tiếp nối từ người con Nguyễn Nghi và phát triển nối dài đến các đời cháu chắt. Hai cha con Nguyễn Thực đã đóng góp nhiều công lao trong việc trị quốc, phát triển văn học, ngoại giao của đất nước, được người đời rất trọng vọng.

Hiện nay, nhà thờ họ Nguyễn Thực còn bảo lưu được không ít di vật có niên đại vào thế kỷ 19 như: Một án gian với những hình chạm cầu kỳ tám chiếc ngai gỗ sơn son thếp vàng, 11 đôi câu đối với nội dung ca ngợi công đức Nguyễn Thực và truyền thống dòng họ Nguyễn - Vân Điềm.

Trong đó, có câu: Sự nghiệp phá thiên hoang, khai quốc công thần Tiến sĩ/ Tình linh trung địa ấm, truyền gia hiếu tử hiền tôn (Sự nghiệp phá trời hoang, là Tiến sĩ công thần khai quốc/ Anh linh chung đất tốt nối đời cháu giỏi, con hiền).

Để ca ngợi công lao của tổ tiên, động viên con cháu tiếp nối truyền thống, tháng Tư năm Quý Mùi (1933) toàn họ đã dựng tấm bia tứ diện đặt trước nhà thờ, trên trán bia bốn mặt đều khắc chữ to: Vân Điềm Nguyễn tộc bi (bia dòng họ Nguyễn làng Vân Điềm), Trung hiếu truyền gia (Gia tộc đời đời trung hiếu), Tác Thùy bất hủ (Văn chương kinh thế, Văn chương giúp đời).

Trong cả sử sách và dân gian, nhà khoa bảng Nguyễn Thực đều được tôn vinh là vị quan thanh liêm, một người am hiểu và trọng đạo lý.
Trong cả sử sách và dân gian, nhà khoa bảng Nguyễn Thực đều được tôn vinh là vị quan thanh liêm, một người am hiểu và trọng đạo lý.

Nhà thờ họ Nguyễn xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ 17. Trước kia có 2 tòa kiến trúc kiểu chữ nhị. Năm 1862 bị bọn nghịch đảng đến đốt cả làng và nhà thờ. Sau đó, nhà thờ được xây lại kiểu chữ nhất một tòa 5 gian và tồn tại đến nay. Vào năm 1987, nhà thờ được tu sửa lại. Với những di sản còn lưu giữ được, nhà thờ Tiến sĩ Nguyễn Thực không chỉ là một di tích, mà còn là một bảo tàng lưu niệm giữ gìn truyền thống tốt đẹp. Năm 1993, nhà thờ Tiến sĩ Nguyễn Thực đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vị Tiến sĩ ‘ra sức học cốt để biết đạo lý làm người’