Nhữ Đình Toản nói: “Phủ liêu giữ việc chính trị, Ngự sử đài giữ việc can ngăn, mỗi người đều có nhiệm vụ phải làm, nếu nay đem Trọng Thứ đặt vào công việc chính phủ, thì sự lầm lỗi ở triều đình lấy ai sửa chữa cho đúng đắn được?”. Vì thế mới không bổ vào giữ việc ở phủ liêu mà phong cho chức này”.
Chúa Trịnh Doanh vì trọng đãi Nhữ Đình Toản, đã cho đổi tên cho ông là Nhữ Công Toản và được ban cho bài thơ quốc âm: “Bấy lâu gang tấc chốn phong thần/ Lục dã phen này đượm thức xuân/ Hoa quốc mấy tài thêu vẻ gấm/ Lập triều đòi thuở nhắc đồng cân/ Máy sâu xướng tỏ về tri túc/ Gánh nặng còn dành sức trí thân/ Ưu ái niềm xưa tua nghĩa đấy/ Bên tai chi lãng tiếng thiều quân”.
Năm Nhâm Ngọ (1762), từ giữ chức Thượng thư Binh bộ, ông được đổi sang giữ chức Hiệu điểm. Sau này về nghỉ, được đặc ban Quốc lão, ông vẫn được chúa gọi ra làm quan nhưng Nhữ Đình Toản đã tìm mọi cách để từ chối. Ông mất năm Quý Tỵ (1773) ở tuổi 72.
Trong gần 35 năm, trải nắm nhiều chức vụ trọng yếu cả bên hoàng triều và vương phủ, lên đến cực phẩm cả ban văn ban võ, được quyến cố trọng dụng, ở ngôi tể phụ hơn mười năm, đương thời khen là bậc danh thần. Ở chức vụ nào ông cũng tròn vẹn, biết cương nhu, tiến thoái hợp nghi, được đương thời và hậu thế mộ ái.
Con trai Nhữ Đình Toản là Nhữ Công Chân đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi năm Nhâm Thìn (1772) đời vua Lê Hiển Tông, sau làm quan đến chức Hàn lâm thị chế, Hữu thị lang bộ Lễ.
Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục với nhiều tư liệu về Nhữ Đình Toản. |
Trong sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn có chép về chuyện lạ lùng này sau khi dẫn lại một cuốn sách khác, ông cho rằng đây như một điềm báo về việc hưng phát sự giàu có của một số người. Giai thoại này liên quan đến Nhữ Công Toản nói về việc tiền hóa đất xảy ra vào thời gian Nhữ Công Toản vẫn đang làm quan văn.
Cũng trong sách “Kiến văn tiểu lục” ghi chép về giai thoại kỳ lạ này theo lời kể của người trong cuộc như sau: “Viên Tham tụng, Bá Trạch hầu là Nhữ Công Toản nói, năm Đinh Tị (1737) niên hiệu Vĩnh Hựu, lúc ông ta ở nhà, trong họ có người cho là tiền hóa ra đất, ông ta vẫn không tin câu nói ấy.
Đến quãng tháng 5, ông ta đi lên kinh sư, giữa đường đi đến huyện Đường Hào (nay thuộc Hưng Yên) thấy vô số tiền bay, nhặt cướp lấy để xem thì Nguyễn Thông, Hồng Hóa, Chiêu Vũ, Lợi Dụng (là tên hiệu của tiền) rành rành không có đồng nào khác lạ, độ hơn một khắc đều biến thành đất hết cả, mà chữ vẫn còn nguyên vẹn. Như thế thì có lẽ vật quý báu cũng có lúc tiêu hóa chăng?”.
Tuy Nhữ Đình Toản và các vị khoa bảng họ Nhữ quyền cao chức trọng và giàu có nhưng luôn thanh liêm, trong sạch, có tấm lòng nhân từ, độ lượng, mọi người tôn kính, tin tưởng hướng tới để tìm một sự che chở mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn.
Lễ dâng hương khai mạc hội thảo khoa học 'Tế tửu Quốc Tử Giám Nhữ Đình Toản - Con người và sự nghiệp'. |
“Hoạch Trạch Nhữ tộc phả” ghi: “Trong vùng chẳng may gặp năm đói kém, hoàng tùng, dịch lệ, kỳ đảo đều linh ứng, gặp khi dịch khí lưu hành, các chi họ đều rước một đạo sắc của ông (Nhữ Đình Toản) về kỳ đảo, các chi tộc đều được bình yên”.
“Hoạch Trạch Nhữ tộc phả” ghi chép về Tiến sĩ Nhữ Đình Toản: “Nhân khi ông mở dinh tại Học thôn (nay là Dinh Như, xã Bình Xuyên, huyện Bình Giang, cách Hoạch Trạch một cánh đồng) gặp lúc binh lửa, nhân dân lưu tán, ông thân đứng ra chiêu tập mọi người, khai khẩn đất hoang hóa… đến nay dân vẫn còn nhớ”.
Vì vậy nhiều người cháu nội của Tiến sĩ Nhữ Đình Toản đã trở thành những ông tổ lập ấp, mở làng, được nhân dân và con cháu trong họ ghi nhớ công lao.
Theo thông tin tại hội thảo khoa học “Tế tửu Quốc Tử Giám Nhữ Đình Toản - Con người và sự nghiệp”, hiện nay không chỉ dòng họ Nhữ đang lưu giữ các sắc phong, trước tác của Tiến sĩ Nhữ Đình Toản, mà một gia đình họ Nguyễn ở Hoạch Trạch 250 năm qua vẫn còn lưu giữ và bảo quản một kỷ vật do ông tặng, đó là chiếc gậy trúc đơn sơ mà Tiến sĩ Nhữ Đình Toản đã tặng cho cụ phụ lão thượng thọ nhất xã, khi cụ yêu cầu con cháu võng ra đình để chào đón vị Quốc lão được vua cho về trí sĩ. Đó là tấm lòng của người dân luôn kính trọng và biết ơn những người có công với đất nước, suy tôn là các bậc tiên hiền của quê hương.