Sau khi đạt đến độ cao và khoảng cách nhất định, động cơ tên lửa ngừng hoạt động. Tên lửa chuyển sang trạng thái rơi tự do khi đến gần mục tiêu. Phần thân tên lửa xoay liên tục giải phóng hàng trăm quả đạn chùm.
Mục tiêu giả định trong cuộc diễn tập là nơi đối phương tập kết vũ khí và thiết bị quân sự. Đạn chùm rơi xuống tạo ra hàng loạt vụ nổ trên phạm vi rộng, phá hủy các thiết bị quân sự giả định.
Mỹ phóng tên lửa ATACMS trong cuộc tập trận với Hàn Quốc vào năm 2017.
Đạn chùm hiệu quả khi được sử dụng để chống lại bộ binh trong chiến hào và lô cốt, vì hàng trăm quả đạn con có thể phát nổ trên diện tích lớn mỗi lần khai hỏa.
Vài tuần trước, hãng tin Reuters dẫn lời 4 quan chức Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tiến gần hơn đến việc gửi tên lửa đạn đạo ATACMS mang đạn chùm cho Ukraine.
Tên lửa ATACMS có tầm bắn 300km, xa hơn các tên lửa Storm Shadow và SCALP mà Ukraine hiện đang sử dụng. Hiện chưa rõ Mỹ đã cung cấp tên lửa ATACMS mang đạn chùm cho Ukraine hay chưa. Trong gói hỗ trợ quân sự công bố vào tuần trước, Mỹ không nhắc đến tên lửa ATAMCS.
Ben Hodges, Cựu trung tướng Mỹ, nhận định tên lửa ATACMS mang đạn chùm "có thể không hiệu quả trong việc phá hủy các cơ sở quân sự Nga ở Crimea”. Đầu tháng này, Ukraine đã phóng các tên lửa hành trình Stom Shadow, gây hư hại cho hai tàu chiến Nga đang sửa chữa tại một xưởng đóng tàu.
Theo Newsweek, tên lửa ATACMS mang đạn chùm có thể củng cố thêm năng lực phản công của Ukraine ở miền nam. Ngoài ra, nếu Ukraine được Mỹ cung cấp tên lửa ATACMS thì Đức cũng sẽ gửi tới Kiev mẫu tên lửa tầm xa Taurus.