Thực tế đã có rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi không được phát hiện và cấp cứu ngừng tim kịp thời.
Thống kê hàng năm về số ca ngưng tim ngoài cộng đồng ở Mỹ là 450.000 ca/năm, trong đó tỉ lệ cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công chỉ từ 1 đến 6% dù đây là đất nước phát triển có nền y học tiên tiến.
Theo lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, công tác truyền thông và giáo dục cộng đồng trong việc cấp cứu ngừng tuần hoàn trong những năm gần đây đã được quan tâm hơn, tuy nhiên nhiều người dân vẫn còn e ngại do chưa được đào tạo và hướng dẫn, do chưa biết cách tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, hoặc cấp cứu chưa được hiệu quả.
Ngừng tuần hoàn hô hấp là trạng thái gián đoạn đột ngột hoạt động bơm máu của tim, khiến máu không thể lưu thông tới các bộ phận khác của cơ thể.
Nếu không cấp cứu kịp thời, ngừng tuần hoàn hô hấp sẽ gây ra biến chứng tử vong nhanh chóng với tỉ lệ lên tới 90% hoặc để lại di chứng nặng nề như tổn thương não vĩnh viễn.
Mục đích cao nhất của việc cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp là duy trì nhịp thở, quá trình vận hành của nhịp tim, ngăn nguy cơ não ngừng hoạt động với biến chứng gây tổn thương các bộ phận khác trong cơ thể. Nguyên tắc cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp cần diễn ra nhanh chóng và đúng cách.
Khi rơi vào trạng thái ngừng tuần hoàn, nạn nhân sẽ đối diện với nguy cơ thiếu máu mang oxy tới cơ quan. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hoặc biến chứng tổn thương não vĩnh viễn trong thời gian ngắn, chỉ vài phút. Nếu phát hiện sớm và cấp cứu nhanh chóng, đúng cách thì nạn nhân có thể thoát được những mối nguy này.