Thời sự

Viện Vật lý địa cầu hướng dẫn kỹ năng ứng phó động đất tại Kon Tum

02/08/2024 20:28

Viện Vật lý địa cầu đang tích cực tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn những kỹ năng cơ bản nhằm giúp người dân tại khu vực tâm chấn động đất huyện Kon Plông (Kon Tum) ứng phó khi xảy ra động đất.

Viện Vật lý địa cầu hướng dẫn kỹ năng ứng phó động đất tại Kon Tum- Ảnh 1.
Cán bộ Viện Vật lý địa cầu tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng cơ bản nhằm giúp người dân ứng phó khi động đất xảy ra - Ảnh: Viện Vật lý địa cầu

Trước đó, ngày 29/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký ban hành Công điện số 73/CĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất tại địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến và các dư chấn động đất, phối hợp với các cơ quan chức năng, huy động các chuyên gia, nhà khoa học làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường trong khu vực, kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng và người dân để phục vụ công tác truyền thông và chỉ đạo ứng phó, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng gây hoang mang, bất ổn trong nhân dân.

Theo đó, từ ngày 01- 05/8, Viện Vật lý địa cầu đã cử đoàn công tác đi thực địa tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, phối hợp tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho người dân tại khu vực tâm chấn động đất, nhằm giảm thiểu những rủi ro cũng như phục vụ công tác an dân tại địa phương trong tình hình động đất xảy ra gần đây.

TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, ngay cả thế giới cũng rất khó để dự đoán thời điểm động đất xảy ra. Do đó, các quốc gia tập trung vào giải pháp giảm nhẹ hậu quả động đất, như ưu tiên nghiên cứu xây dựng công trình có khả năng chịu dư chấn cao và huấn luyện người dân kỹ năng sinh tồn khi xảy ra thiên tai.

Trong 2 ngày (01-02/8), tại các xã nằm trong tâm chấn động đất như: Đăk Nên, Măng Bút, Đăk Ring, Đăk Tăng, đoàn công tác Viện Vật lý địa cầu phối hợp với chính quyền các xã tổ chức khảo sát thực địa, tuyên truyền, phát tờ rơi, trình chiếu hình ảnh minh họa.

Nội dung tuyên truyền giúp người dân hiểu động đất là gì, nguyên nhân vì sao xảy ra động đất kích thích. Cùng với đó, người dân được phổ biến kiến thức ứng phó khi động đất xảy ra; xử lý các tình huống giả định đặt ra (đang trong nhà, ngoài trời, trên đồi dốc…); lên kế hoạch phòng, chống thiên tai, động đất cho gia đình. Người dân cũng được hướng dẫn cách xây nhà bảo đảm phần nền, tường và mái chịu được lực tốt nhất...

Viện Vật lý địa cầu tổ chức các buổi tuyên truyền tại nhà rông, nhà văn hóa, hội trường UBND xã, trường học…, thu hút rất đông người dân tham dự. Đoàn đã trao đổi trực tiếp, lắng nghe và giải đáp cho bà con những tình huống cụ thể qua các trận động đất mới đây để trang bị kỹ năng xử lý nếu gặp những trận động đất tiếp theo.

Những kiến thức được cung cấp tại đây sẽ giúp người dân có thêm kỹ năng thiết thực để không hoảng loạn, kịp thời áp dụng các biện pháp an toàn cho bản thân, gia đình khi động đất.

Trong những ngày tới, Đoàn sẽ tiếp tục đến các thôn làng tuyên truyền cho người dân trong vùng động đất tới để ổn định tâm lý, đời sống bà con.

Viện Vật lý địa cầu hướng dẫn kỹ năng ứng phó động đất tại Kon Tum- Ảnh 2.
Cácc buổi tuyên truyền thu hút rất đông người dân tham dự - Ảnh: Viện Vật lý địa cầu

Theo Viện Vật lý địa cầu, từ tháng 4/2021 đến nay, khu vực Kon Plong, Kon Tum ghi nhận hàng trăm trận động đất kích thích, gấp nhiều lần so với số trận động đất xảy ra trong hơn một thế kỷ trước đó.

Chỉ tính riêng trong tháng 7/2024, đã xảy ra 83 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 5.0 richter, trong đó có tới 82 trận động đất kích thích xảy ra tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.

Đáng chú ý, ngày 28-29/7 vừa qua được đánh giá là thời diểm có tần suất động đất nhiều nhất từ khi khu vực này bắt đầu ghi nhận động đất kích thích xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện.

Cụ thể, ngày 28/7 xảy ra 21 trận động đất; ngày 29/7xảy ra 25 trận động đất tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Trong đó, trận động đất có độ lớn 5.0 xảy ra vào lúc 11h35' ngày 28/7 tại huyện Kon Plong được xác định là trận động đất mạnh nhất từng ghi nhận được ở khu vực này. Các ngày sau đó, các trận động đất giảm dần, chỉ còn vài trận động đất nhỏ trong ngày.

Tại khu vực Kon Plông, Viện Vật lý địa cầu đã hoàn thiện hệ thống quan trắc động đất với 11 trạm. Một đề tài nghiên cứu về động đất kích thích trong khu vực đã được phê duyệt và triển khai. Đây sẽ cơ sở để làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến động đất kích thích ở khu vực này.

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/vien-vat-ly-dia-cau-huong-dan-ky-nang-ung-pho-dong-dat-tai-kon-tum-102240802181039437.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/vien-vat-ly-dia-cau-huong-dan-ky-nang-ung-pho-dong-dat-tai-kon-tum-102240802181039437.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Viện Vật lý địa cầu hướng dẫn kỹ năng ứng phó động đất tại Kon Tum