Nói về VinFast, ông Thayer nhận định, quyết định của tập đoàn này khi nhắm vào thị trường xe điện (EV) của Mỹ bằng cách xuất khẩu nguyên chiếc từ Việt Nam và sản xuất ngay tại Mỹ là một sáng kiến táo bạo, dù đi kèm với rủi ro.
VinFast đã giành được thắng lợi lớn khi cổ phiếu của họ được niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq vào tháng 8, qua đó thu hút được sự chú ý lớn tại Mỹ. Cổ phiếu VinFast vào thời điểm đó ngay lập tức tăng vọt, sau đó giảm rồi lại phục hồi.
“Các nhà đầu tư rõ ràng quan tâm tới những gì mà VinFast mang lại” – Ông Thayer cho hay.
Tính đến nay, VinFast đã xuất khẩu khoảng 3.000 xe điện sang Mỹ và mở một số phòng trưng bày ở California. Cũng trong tháng 8, VinFast đã nhận được một “cú hích” khi Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ chứng nhận quãng đường di chuyển của xe điện VF 9 đạt 330 dặm (531 km đối với phiên bản Eco) và 291 dặm (468 km cho phiên bản Plus).
Các cơ sở của VinFast tại Việt Nam cực kỳ hiện đại và đang sản xuất khoảng 300.000 xe điện mỗi năm. Con số này sẽ tăng lên khi nhà máy sản xuất trị giá hàng tỷ USD đang được xây dựng ở Bắc Carolina đi vào sản xuất năm 2025. Nhà máy này dự kiến sẽ cho “ra lò” 150.000 xe điện mỗi năm.
Trong nửa đầu năm 2023, VinFast đã bán được 11.300 xe điện. Hồi tháng 5, Chủ tịch Tập đoàn VinGroup Phạm Nhật Vượng nói với các cổ đông rằng, VinFast kỳ vọng sẽ bán được 50.000 xe điện trong năm nay và hòa vốn vào cuối năm 2024.
Theo ông Thayer, đó là thành công của VinFast nói riêng, còn xét trên quy mô hợp tác song phương hai nước thì đây cũng là một bước tiến trong quan hệ kinh tế Việt-Mỹ. Hiện tại, cả chính quyền Tổng thống Biden và chính phủ Việt Nam đều đang cam kết chuyển đổi sang năng lượng xanh, điều này mang lại đặc quyền cho sản xuất xe điện.
“Quyết định ưu tiên thị trường Mỹ của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng” có thể xem như một câu chuyện thành công” – Ông Thayer nhận định.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Biden lần này, cả Việt Nam và Mỹ đều ưu tiên làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương, tìm kiếm cơ hội thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế đang tập trung vào công nghệ và sáng tạo của Việt Nam.
Nhận định về tiềm năng hợp tác kinh tế - công nghệ giữa hai nước trong thời gian tới, ông Thayer cho rằng, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden và sự kiện nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên mức "Đối tác Chiến lược Toàn diện" sẽ tạo cơ hội chưa từng có để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, tạo nền tảng mạnh mẽ để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Sau khi nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, hai nước Việt - Mỹ sẽ có nhiều triển vọng hợp tác phát triển các lĩnh vực. Thương mại, đầu tư và công nghệ nhiều khả năng sẽ được ưu tiên để hợp tác sâu sắc hơn.
Mỹ có thể cung cấp các khoản hỗ trợ từ chính phủ và khuyến khích đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực công nghệ cao. Các ưu tiên khác giữa hai nước có thể bao gồm hợp tác chuyển giao công nghệ liên quan tới kinh tế kỹ thuật số, chuyển đổi năng lượng xanh và khử carbon.
Ông Thayer cho hay, Mỹ đang ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng linh hoạt và an toàn với Việt Nam, bởi Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực sản xuất vật liệu vật liệu bán dẫn theo tiêu chuẩn thế giới với các công ty Mỹ như Intel và Amkor.
Trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, hai nước đã quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Washington khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao
Ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, hai Nhà Lãnh đạo ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.
Việt Nam và Mỹ tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.
Ngoài ra, ông Thayer cho hay, Washington đánh giá khá cao về tiềm năng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam và có thể sẽ thúc đẩy hỗ trợ Việt Nam cả trong lĩnh vực này.
Tại Đông Nam Á, Singapore đang là quốc gia dẫn đầu. Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đang ở giai đoạn gần như tương đương nhau trong việc phát triển chính sách quốc gia, nghiên cứu, cũng như đưa AI và điện toán lượng tử vào ứng dụng thực tế. Do đó, nếu nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ, năng lực của Việt Nam ở hai khía cạnh trên sẽ phát triển hơn nữa.
Theo vị Giáo sư, Mỹ và các tập đoàn tư nhân của nước này là những nhà phát triển và tham gia lớn trong lĩnh vực AI, cũng như công nghệ điện toán lượng tử. Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ các nguồn đầu tư trực tiếp của Mỹ, các công ty liên doanh, chuyển giao kỹ năng quản lý và kỹ thuật, cũng như tiếp cận thị trường.
“Có thể nói, Việt Nam và Mỹ đã trở thành đối tác đáng tin cậy với nhau sau nhiều năm hợp tác. Washington có thể lựa chọn ưu tiên trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử do đây là những công nghệ tiên phong cho tương lai.
Việt Nam cũng đang đặt ưu tiên cho công nghệ Cách mạng công nghiệp 4.0 nên quan điểm của Việt Nam và Mỹ đã đạt được sự nhất quán. Washington cũng mong muốn hợp tác phát triển công nghệ năng lượng xanh với Hà Nội” – Ông Thayer nhận định.