17. Lãnh đạo Cấp cao hai nước đánh giá hợp tác lao động đã mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên; nhất trí mở rộng lĩnh vực và hình thức hợp tác lao động mới. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường phối hợp hỗ trợ để người lao độngViệt Nam tại Hàn Quốc có thể làm việc an toàn và khỏe mạnh đồng thời tuân thủ luật pháp của hai nước, bao gồm cả về thời hạn lưu trú. Phía Hàn Quốc cam kết, sẽ cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động Việt Nam. Phía Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi trong việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký cư trú và cấp phép lao động cho người lao động Hàn Quốc tại Việt Nam.
18. Lãnh đạo Cấp cao hai nước hoan nghênh việc Bộ Y tế hai bên ký sửa đổi Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực sức khỏe và y khoa; nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế đặc biệt là kiểm soát và phòng chống dịch bệnh, hợp tác về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực phòng chống và kiểm soát bệnh tật, y dược, vắc-xin, thiết bị y tế, an toàn thực phẩm, đối phó với già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe cũng như về đào tạo nguồn nhân lực, tay nghề cao cho cán bộ Bộ Y tế. Phía Hàn Quốc đề nghị phía Việt Nam khi sửa đổi các quy định, bao gồm quy định về đấu thầu, sẽ xem xét về mặt chính sách để có thêm nhiều trang thiết bị y tế của Hàn Quốc được sử dụng tại Việt Nam, và cho biết sẽ tích cực hỗ trợ xây dựng Trung tâm kiểm soát bệnh tật tại Việt Nam theo đề nghị của phía Việt Nam.
19. Lãnh đạo Cấp cao hai nước đánh giá hợp tác giáo dục thời gian qua đã góp phần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, xã hội giữa hai nước. Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí tiếp tục mở rộng hợp tác giáo dục, Bộ Giáo dục hai nước sẽ định kỳ tổ chức hiệu quả Diễn đàn nguồn nhân lực Việt Nam - Hàn Quốc. Hàn Quốc quyết định hỗ trợ biên soạn sách giáo khoa giảng dạy tiếng Hàn Quốc dùng cho các cấp học phổ thông tại Việt Nam.
Hợp tác cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị
20. Lãnh đạo hai nước nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và phát triển đô thị tại Việt Nam. Việt Nam hoan nghênh doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào hạ tầng giao thông vận tải theo hình thức như đối tác công tư (PPP). Hàn Quốc nhất trí tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như: giao thông, quy hoạch đô thị, kiến trúc, nhà ở, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật…
Hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân
21. Lãnh đạo cấp cao hai bên đánh giá giao lưu văn hóa thể thao và du lịch giữa hai nước đã đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiểu biết, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước; nhất trí tăng cường và tạo môi trường thuận lợi cho giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa và ngoại giao công chúng giữa hai nước. Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu hai nước bao gồm thực hiện các chuyến thăm trao đổi chuyên gia nghiên cứu hai nước. Việt Nam đang xem xét thành lập Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc, phía Hàn Quốc nhất trí hợp tác tích cực về việc này.
22. Lãnh đạo Cấp cao hai nước nhất trí tạo thuận lợi hơn nữa cho giao lưu hữu nghị nhân dân, nhất là nỗ lực mở rộng hợp tác về du lịch cũng như tăng cường hoạt động giao lưu du lịch hai nước. Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí dành nhiều quan tâm, hỗ trợ để cộng đồng hai nước ổn định sinh hoạt, học tập và làm việc tại mỗi nước cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí cùng cố gắng để các thế hệ tương lai của các gia đình đa văn hóa có thể đóng vai trò tích cực hơn trong giao lưu thanh thiếu niên giữa hai nước. Phía Hàn Quốc khẳng định sẽ tăng cường sự quan tâm và hỗ trợ đối với các gia đình đa văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc. Phía Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm và hỗ trợ cho sự phát triển của cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam. Ngoài ra, Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí nỗ lực để Hiệp định Bảo hiểm xã hội Việt - Hàn đã được ký kết sớm đưa vào thực hiện nhằm giảm gánh nặng kinh tế cho người dân hai nước, đẩy nhanh quá trình trao đổi giữa các cơ quan hữu quan của hai nước để ký kết Thỏa thuận hành chính nhằm thực hiện Hiệp định trên một cách thuận lợi.
Các vấn đề khu vực và quốc tế
23. Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí hợp tác chặt chẽ nhằm ứng phó với các thách thức mang tính toàn cầu, các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế, hợp tác bảo vệ môi trường biển; đồng thời, nhất trí tăng cường năng lực ứng phó chung đối với các tình huống khẩn cấp, tiếp tục phối hợp lập trường trên các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, chung lợi ích. Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí phối hợp chặt chẽ trong các diễn đàn, cơ chế của quốc tế và khu vực mà hai bên cùng tham gia, cùng quan tâm như Liên hợp quốc (UN), Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Hàn Quốc, Hợp tác Mê Công - Hàn Quốc và các cơ chế hợp tác Mê Công mà Hàn Quốc là đối tác, Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của Tổ chức phát triển hợp tác kinh tế (OECD)... Phía Hàn Quốc đã giới thiệu Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Sáng kiến đoàn kết ASEAN - Hàn Quốc của Chính phủ Hàn Quốc, nhấn mạnh Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất trong quá trình triển khai thời gian tới; phía Việt Nam hoan nghênh việc này. Phía Hàn Quốc đề nghị Việt Nam ủng hộ Hàn Quốc đăng cai tổ chức Triển lãm thế giới Busan 2030 với chủ đề “đại chuyển đổi thế giới, hướng tới tương lai tươi sáng hơn”, phía Việt Nam cho biết sẽ xem xét tích cực vấn đề này. Hàn Quốc cho biết sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam đăng cai Diễn đàn cấp cao đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) vào năm 2025.
24. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, nhất trí phối hợp chặt chẽ phát huy vai trò của các cơ chế khu vực, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội hậu Covid-19, tăng trưởng bền vững, phát triển xanh và tăng cường liên kết quốc tế. Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao các đóng góp thực chất, hiệu quả của Hàn Quốc và sẵn sàng phối hợp chặt chẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững và có thể tự phục hồi của Tiểu vùng Mê Công thông qua hai khuôn khổ hợp tác ASEAN - Hàn Quốc và Mê Công - Hàn Quốc.
25. Lãnh đạo Cấp cao hai nước tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; nhất là khẳng định nguyên tắc giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Lãnh đạo cấp cao hai nước đề nghị các bên liên quan kiềm chế, không có hành động đơn phương nhằm quân sự hóa, thay đổi nguyên trạng hoặc làm phức tạp tình hình ở Biển Đông; thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm đạt một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là với UNCLOS.
26. Lãnh đạo cấp cao hai nước nhắc lại lập trường chung liên quan đến vấn đề Bán đảo Triều Tiên được nêu tại Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 23; nhất trí cho rằng việc phát triển vũ khí hạt nhân đe dọa hòa bình và ổn định của Bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Á cũng như thế giới. Hai bên kêu gọi Triều Tiên thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ và các cam kết quốc tế bao gồm các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Tuyên bố 19/9; đồng thời, khẳng định tầm quan trọng của các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm thực hiện đầy đủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Phía Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc để giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên trong đó có Sáng kiến táo bạo.
27. Hai bên chia sẻ quan ngại về tình hình tại Myanmar, mong muốn tình hình Myanmar sớm trở lại ổn định vì lợi ích của nhân dân Myanmar, vì hòa bình và ổn định ở khu vực. Phía Hàn Quốc bày tỏ sẵn sàng tiếp tục phối hợp với các nước ASEAN trong việc thúc đẩy tìm giải pháp đưa đến ổn định tình hình, chấm dứt bạo lực, đối thoại giữa các bên ở Myanmar, ủng hộ việc triển khai có hiệu quả “đồng thuận 5 điểm” của ASEAN. Phía Việt Nam cảm ơn Hàn Quốc ủng hộ nỗ lực của ASEAN trong việc giải quyết vấn đề Myanmar, bao gồm hoạt động viện trợ nhân đạo.
28. Các hiệp định và Bản ghi nhớ bao gồm Phụ lục đã được ký kết trước sự chứng kiến của Lãnh đạo cấp cao hai nước.
29. Lãnh đạo Cấp cao hai nước nhất trí cho rằng, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng tăng cường và phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chân thành cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, nồng hậu của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc và trân trọng mời Tổng thống Yoon Suk Yeol và Phu nhân thăm Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Tổng thống Yoon Suk Yeol chân thành cảm ơn và vui vẻ nhận lời.
PHỤ LỤC VĂN KIỆN KÝ KẾT
Hiệp định Chính phủ:
1.Nghị định thư sửa đổi Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc về hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan.
2. Công hàm Trao đổi giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc để triển khai nguyên tắc cộng gộp xuất xứ theo Hiệp định thương mại tự do giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai Len.
Bản ghi nhớ hợp tác giữa các cơ quan
1. Khung hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kinh tế và Tài chính Đại Hàn Dân Quốc về sử dụng viện trợ phát triển chính thức của Hàn Quốc trong khuôn khổ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) và Quỹ xúc tiến phát triển kinh tế (EDPF).
2. Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác trên cơ sở quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” giữa Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Ngoại giao Đại Hàn Dân Quốc.
3. Bản ghi nhớ hợp tác về văn hóa giữa Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đại Hàn Dân Quốc giai đoạn 2023-2025.
4. Bản ghi nhớ hợp tác khai thác khoáng chất thiết yếu giữa Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mai, Công nghiệp và Năng lượng Đại Hàn Dân Quốc.
5. Bản ghi nhớ hợp tác công nghiệp điện lực và năng lượng sạch giữa Bộ Công thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mai, Công nghiệp và Năng lượng Đại Hàn Dân Quốc.
6. Bản ghi nhớ giữa Bộ Y tế nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Y tế và Phúc lợi Đại Hàn Dân Quốc về hợp tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
7. Bản ghi nhớ hợp tác công nghệ thông tin và truyền thống giữa Bộ Thông tin Truyền thông nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Khoa học Công nghệ - Thông tin và Truyền thông Đại Hàn Dân Quốc.