Nhanh quá, thấm thoắt đã hơn 15 năm... Ở đó có ký ức với chuyện đi học chìa quyển sổ liên lạc, chuyện lớp sao, lớp A, nơi mà trong 1 lớp học thêm quy củ gặp được nhiều người bạn mới đến từ rất nhiều trường cấp 2 khác trong thành phố, học hỏi giao lưu lẫn nhau... Cũng nhớ mãi 1 người bạn học cùng 218 Lý Tự Trọng lí lắc luôn tươi cười, đã ra đi mãi mãi ở tuổi 20... Giờ đây nhắc tới 218 Lý Tự Trọng chỉ còn lại những kỉ niệm.
Cảm ơn cô vì mọi thứ cô đã làm cho thế hệ học sinh chúng con, không chỉ là nơi học văn hóa mà còn được chú ý đến đạo đức. Cô an nghỉ nhé cô ơi…”
Theo thông tin gia đình, cô Đàm Lê Đức sinh ngày 9/1/1932 tại huyện Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.Sau khi tốt nghiệpTrường đại học Tổng hợp Hà Nội ở tuổi 25, cô Đàm Lê Đức về Hải Phòng dạy toán tại một trường cấp III và sau đó là đại học tại chức Hải Phòng. Đến năm 1983, khi ngoài 50 tuổi, cô chuyển công tác vào TPHCM, dạy khoa toán thống kê tại Trường đại học Kinh tế TPHCM.
Năm 1985, cô cùng các anh, chị em, những nhà giáo ở tuổi hưu thành lập lớp dạy kèm tiền thân của Cơ sở bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng hiện nay. Năm 2010, cô cùng các anh, chị em thành lập Trường THCS - THPT Đức Trí.
Nhà giáo Đàm Lê Đức nổi tiếng với hình ảnh một nhà giáo dù 85 tuổi vẫn miệt mài đứng trên bục giảng với các bài giảng tại Cơ sở Bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng và THCS - THPT Đức Trí. Các bài giảng của bà chủ yếu là các chuyên đề về sự hiếu thảo với cha mẹ, lễ nghĩa với thầy cô, thân ái với bè bạn; văn hóa ứng xử trong nhà trường và xã hội.
Những bài giảng của bà được nhận xét là không giáo huấn, áp đặt, mà là những bài học được đúc kết từ những điều rất giản dị, đời thường trong cuộc sống. Đặc biệt là về đạo làm con, lòng hiếu thảo, tôn kính cha mẹ, thầy cô. Trong suốt cuộc đời giảng dạy và khi thành lập hai cơ sở giáo dục, nhà giáo Đàm Lê Đức luôn tâm niệm đi theo con đường đức - trí song hành.
Bà Đàm Lê Đức còn được nhiều thế hệ học sinh, phụ huynh biết đến là một trong sáu nhân vật của cuốn tranh truyện song ngữ "Tuổi thơ tấm gương Việt". Cuốn sách do Hội quán các bà mẹ chủ biên, Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành.
Sáu nhân vật trong đó gồm bác sĩ - họa sĩ Dương Cẩm Chương, nhà giáo Đàm Lê Đức, GS.TS Trần Văn Khê, nhà thơ – “Quận chúa” Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và bác sĩ, nghệ sĩ Trương Thìn. Họ đều là những người có tài, có tâm, say mê học hỏi, tìm tòi và cống hiến trong lĩnh vực mà họ theo đuổi. Mỗi nhân vật đều trải qua tuổi thơ vất vả, khó khăn nhưng họ đã tự vươn lên, vượt qua hoàn cảnh để trở thành những con người có tài, có ích cho xã hội và đất nước.
Cuốn sách được phát hành nhằm giúp thiếu nhi có thể tìm thấy cho mình một tấm gương, một điểm tựa để không ngừng học hỏi, vươn lên, có tri thức và đạo đức.