Lý giải vì sao nhân viên Công ty Alibaba lừa đảo người thân
Trước đó, người thực hành quyền công tố đã có lý giải về việc vì sao các bị cáo khác trong vụ án lại lừa chính người thân của mình tham gia đầu tư các dự án không có thật của Công ty Alibaba.
Kiểm sát viên cho rằng nhiều bị cáo là giám đốc các công ty con, để bảo đảm được vị trí lãnh đạo các công ty buộc phải đạt được doanh thu bán hàng. Muốn đạt doanh thu, mỗi bị cáo phải trở thành "nhà đầu tư" tại chính công ty. Đây cũng là cách thức đào tạo tại Công ty Alibaba và phù hợp với lời khai của Nguyễn Thái Luyện trước đó.
Khi chào bán dự án (không có thật) cho khách hàng, các bị cáo sẽ dùng "văn mẫu": "Tôi là dân đầu tư, tôi đã mua đất ở dự án này, dự án kia", để dụ dỗ khách hàng.
Các bị cáo tại phiên xét xử
Thậm chí, để đạt được doanh thu mà Luyện yêu cầu, các bị cáo phải kêu gọi cả họ hàng, bạn bè, gia đình tham gia nộp tiền.
"Nghiên cứu toàn diện vụ án, đại diện VKS còn nhận thấy thủ đoạn của bị cáo Nguyễn Thái Luyện rất tinh vi. Bị cáo tận dụng triệt để nhiệt huyết của các bị cáo có tuổi đời rất trẻ, thiếu chín chắn, thiếu kinh nghiệm sống để phục vụ cho mục đích của cá nhân bị cáo. Cụ thể, trong vụ án này, trừ bị cáo Nguyễn Thái Luyện, có đến 14/23 bị cáo sinh vào những năm 1990, tuổi đời còn rất trẻ" - người thực hành quyền công tố nêu.
VKS cũng xác định trong vụ án này, các đối tượng khách hàng mà Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm nhắm đến để chiếm đoạt tiền đa số là khách hàng có điều kiện trung bình hoặc khó khăn.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người sử dụng đất, bị cáo Luyện chỉ đạo đưa ra các thông tin rất cuốn hút như "hạ tầng đầy đủ, gần trường học, giao thông thuận lợi, giá rẻ chỉ vài trăm triệu/nền, thậm chí cho trả góp từ 2-3 triệu đồng/tháng, phụ lục hợp đồng cam kết trả lãi lên tới 28-35%. Tên dự án nghe rất hấp dẫn như Alibaba Phú Mỹ City… để dụ dỗ, lôi kéo khách hàng nhẹ dạ nộp tiền cho bị cáo.
Sau khi phân tích vụ án, đại diện VKSND đề nghị HĐXX xem xét, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) 30 năm tù (20 năm tù tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 12-14 năm tù về tội "Rửa tiền"); bị cáo Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) 30 năm tù (20 năm tù tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 12-14 năm tù về tội "Rửa tiền"); bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện) 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án 5-20 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, buộc các bị cáo Luyện và Mai liên đới bồi thường 2.462 tỉ đồng cho khách hàng, buộc nộp lại 13 tỉ đồng cho cơ quan chức năng.
Sau khi VKSND TP HCM đề nghị mức án đối với các bị cáo, các luật sư tham gia bào chữa nêu quan điểm tranh luận.