Sau thời gian dài chuẩn bị, sản phẩm “bột ngũ cốc cô Một” của vợ chồng cựu giáo chức đã được tung ra thị trường. Điều đáng mừng là sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, bởi giá thành vừa phải, mang lại giá trị dinh dưỡng và điều đặc biệt là sản phẩm mang đậm chất xứ Quảng.
Đến năm 2020, qua thời gian kiểm tra, đánh giá chất lượng, sản phẩm “Ngũ cốc cô Một” đã đạt được tiêu chuẩn OCOP (One Commune One Product tạm dịch là Mỗi xã một sản phẩm – PV) 3 sao của tỉnh Quảng Nam. Một thành quả đáng khích lệ cho những cố gắng của một cặp vợ chồng giáo viên “dám dấn thân” sau khi nghỉ hưu.
Sau khi sản phẩm đầu tiên ra đời và được người dân đón nhận, bà Tiến và ông Hùng tiếp tục xin cấp phép để nghiên cứu sản xuất thêm sản phẩm trà gừng hòa tan. Bà Tiến cho hay, từ làm bột ngũ cốc chuyển sang làm trà gừng là một bước tiến dài song cũng gặp khá nhiều khó khăn.
“Trà gừng tôi làm là sản phẩm đặc trưng của dân Thăng Bình, bởi loại gừng mà tôi dùng là gừng sẻ, đây là loại gừng chỉ có ở vùng Thăng Bình. Củ nhỏ, độ cay vừa phải và có vị ngọt. Thời điểm đầu mới bắt tay vào làm sản phẩm trà gừng, vợ chồng tôi làm hư khoảng 200kg gừng sẻ, tính sơ sơ cũng mất hàng chục triệu đồng. Phải làm đi làm lại liên tục, có đêm hai vợ chồng thức trắng để nghiên cứu, điều chỉnh công thức làm sao cho phù hợp nhất đáp ứng mọi yêu cầu”, bà Tiến chia sẻ thêm.
Sau thời gian dài cần mẫn nghiên cứu, cuối cùng vợ chồng bà Tiến ông Hùng cũng có công thức làm trà gừng và sản phẩm trà gừng hòa tan đã được đưa ra thị trường. Năm 2021, sản phẩm đạt danh hiệu OCOP 3 sao, và giành được giải thưởng Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực 2022.
Từ đó đến nay, những sản phẩm ngũ cốc và trà gừng hòa tan của bà Tiến và ông Hùng đã bắt đầu có mặt trên khắp các thị trường miền Trung và miền Nam. Mỗi ngày, xưởng sản xuất gần 1.000 hộp ngũ cốc và trà gừng, cung ứng cho thị trường như: TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định… sau khi trừ chi phí, mỗi năm vợ chồng ông Hùng bà Tiến thu nhập hàng trăm triệu đồng, năm cao có thể lên đến gần nửa tỷ đồng. Không chỉ thu về lợi nhuận, điều vui nhất là xưởng sản xuất của đôi vợ chồng cựu giáo chức này còn tạo công ăn việc làm cho gần 10 người dân địa phương.
“Kết quả thực tế đã chứng minh vợ chồng tôi không khùng khi dám bỏ chi phí đầu tư làm ăn khi tuổi càng ngày càng lớn. Chúng tôi đã luôn tin rằng khi khởi nghiệp sẽ tạo ra sản phẩm, sản phẩm đó tạo nên dấu ấn cho địa phương, kéo theo đó kinh tế địa phương cũng sẽ phát triển. Thời gian tới, vợ chồng tôi dự định mở rộng cơ sở sản xuất, làm tốt hơn khâu tiếp thị thị trường để có thể đưa sản phẩm ra nhiều tỉnh thành trên cả nước”, ông Hùng cho biết.