Theo đó, bộ luật này đã quy định rõ về nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ (chủ xe ô tô) và bên cung ứng dịch vụ (chủ gara ô tô) tại Điều 515 và Điều 517, Bộ luật Dân sự 2015. Trong đó, Điều 517 ghi rõ nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ sẽ phải bồi thường thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nếu làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin.
Luật sư Bùi Văn Lai.
Luật sư Lai cho rằng, trong trường hợp cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cháy là do điều kiện phòng chống cháy nổ của gara ô tô không đảm bảo đúng luật định thì chủ gara ô tô có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho chủ xe.
Luật sư Lai cho biết thêm, gara ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện bắt buộc nên chủ gara phải mua bảo hiểm cháy nổ. Theo luật kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm bồi thường trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ chứng từ hợp lệ của người được bảo hiểm. Tuy nhiên, nếu lỗi dẫn tới cháy nổ xuất phát từ gara và thuộc các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo điều 6 nghị định 23/2018 thì đơn vị bảo hiểm của gara cũng sẽ không chi trả bảo hiểm.
“Khi chủ ô tô đưa xe vào gara sửa chữa, bảo dưỡng... thì quyền tài sản đã tạm thời chuyển giao cho chủ gara. Do đó, trong trường hợp chủ ô tô không mua bảo hiểm cháy nổ thì chủ gara phải có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với tài sản của khách hàng.
Việc bồi thường như thế nào còn phụ thuộc vào giám định viên, kết quả làm việc của cơ quan chức năng. Phải có biên bản giám định, khám nghiệm hiện trường, định giá tài sản và nhiều thủ tục khác.” – luật sư Lai nói.
Cũng theo luật sư Lai, trong trường hợp chủ ô tô và chủ gara đều có bảo hiểm thì phải xét điều kiện được chi trả bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm để làm cơ sở xác định đơn vị bảo hiểm nào có trách nhiệm chi trả.