Sau khi thực hiện thành công việc đấu thầu, phía BV Thủ Đức hoàn tất nghĩa vụ tài chính, bị cáo Lợi đã chuyển tiền cho vợ chồng bị cáo Quân. Vợ chồng bị cáo Quân đã dùng tiền này mua nhà ở TP Nha Trang, quận 1 (TP.HCM) và 2 ô tô. Về nguồn tiền mua các tài sản trên, Lợi khai thực hiện theo yêu cầu của vợ chồng bị cáo Quân.
Chủ tọa hỏi: “Bị cáo thực hiện các hành vi trên nhằm mục đích gì”. Bị cáo Lợi trình bày: “Bị cáo chỉ làm công, hưởng lương 40 triệu/tháng và không còn lợi ích gì khác. Bị cáo không có có tài sản riêng, chỉ có tài sản chung với vợ”.
Các bị cáo trong vụ án xảy ra tại BV Thủ Đức tại phiên tòa. Ảnh: TRẦN LINH
Liên quan tới vụ án, bị cáo Lợi khai đã đứng tên giúp vợ chồng ông Quân một thửa đất tại phường Trường Thọ (TP. Thủ Đức). HĐXX hỏi bị cáo Nguyễn Trần Ngọc Diễm (vợ Quân). Bị cáo trình bày không rõ về tài sản này và công việc kinh doanh của chồng.
Tiếp đó, bị cáo Ngô Trương Ngọc Bích (tổ trưởng phòng vật tư lý y tế) khai lúc đầu không biết các công ty của Lợi là công ty "sân sau". Sau đó, ông Quân chỉ đạo liên hệ các công ty của Lợi và những công ty trên liên tục trúng thầu nên đã ngầm hiểu công ty trúng thầu là của Quân. Trong vụ án này, bị cáo Bích không hưởng lợi.
Theo cáo trạng, Quân đã lợi dụng vị trí người đứng đầu BV, gây sức ép với nhân viên dưới quyền; chỉ đạo bị cáo Lợi lập bốn công ty “sân sau” để thông thầu, gian lận trong đấu thầu...
Từ năm 2016 đến năm 2020, nhóm bốn công ty “sân sau” đã trúng 27/28 gói thầu với tổng giá trị hơn 345,2 tỉ đồng tại BV Thủ Đức. Sau khi trừ các chi phí, Quân đã tham ô của bệnh viện là 103,6 tỉ đồng. Quân chỉ đạo Lợi chuyển tiền tham ô này cho vợ chồng Quân tiền tham ô để mua vàng, mua đất, biệt thự và hai ôtô Audi và Mercedes…
Hồ sơ vụ án cũng thể hiện, hai vợ chồng ông Quân mua thửa đất tại phường Linh Xuân, TP. Thủ Đức từ tiền tham ô tài sản và bán được 19 tỉ đồng, cho một số người để chạy án nhưng bất thành.