Vụ HS tấn công cô giáo ở Tuyên Quang: Tìm gốc rễ vấn đề để có giải pháp căn cơ

08/12/2023, 21:14
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sự việc tại Trường THCS Văn Phú, Tuyên Quang, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng phải tìm ra gốc rễ vấn đề để có giải pháp căn cơ.

Có đủ chế tài nhưng chưa làm chuẩn

Ngày 8/12, Báo Lao Động tổ chức toạ đàm trực tuyến “Khi giáo viên là nạn nhân của bạo lực học đường: Tại sao tinh thần tôn sư trọng đạo bị phai nhạt” liên quan vụ việc cô giáo bị học sinh ném dép tại Trường THCS Văn Phú, tỉnh Tuyên Quang.

Nhấn mạnh phải tìm ra gốc rễ vấn đề để tìm giải pháp căn cơ, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, khi các giá trị bị xô lệch, quan niệm trở nên méo mó, từ đó sẽ hành động sai lầm, thiếu suy nghĩ, thậm chí là thô bạo. Sự việc ở Tuyên Quang chính là điển hình.

Vế chúng ta luôn quan tâm là phải hình thành được các giá trị, đặc biệt ở các lớp học dưới. Kể cả giáo viên chủ nhiệm hay giáo viên bộ môn đều phải dành nhiều thời gian hơn cho việc “dạy người”. Khi đã định chuẩn được các giá trị, thì học sinh biết việc nào là đúng - sai, nên làm - không nên làm.

Theo GS Nguyễn Văn Minh, về mặt quy định, quy chế trong các nhà trường hiện nay đã rất chuẩn chỉnh. Tuy nhiên giữa quy chuẩn và cụ thể hóa, hành động thực tiễn có khoảng cách. Nếu không có 3 trụ cột: nhà trường, gia đình, xã hội, chúng ta không làm được gì cả; nên cần sự đồng hành của 3 trụ cột này một cách rất cụ thể.

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh.
Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh.

Thực tế phải nhìn nhận một cách trực diện là trong môi trường giáo dục, không phải trường nào cũng thực hiện nguyên tắc dân chủ. Không phải hiệu trưởng nào cũng quan tâm sát sao vào cuộc sống của nhà giáo. Do đó, có những phản ứng chưa chắc được giải quyết hay đồng hành, thấu hiểu.

Mặt khác, tại một số đơn vị, nhẽ ra phụ huynh là người giám sát, góp ý cho hoạt động của nhà trường nhưng họ lại can thiệp thô bạo tới các hoạt động của trường, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động giảng dạy.

Học sinh đáng nhẽ phải tôn trọng nội quy nhưng lại ngược lại. Thực tiễn có những chế tài nhưng quá trình thực hiện, các giải pháp làm chưa chuẩn và “chưa dám làm chuẩn” nên mới xảy ra tình trạng trên.

Khẳng định tầm quan trọng của việc có người thầy giỏi, GS Nguyễn Văn Minh đồng thời cho rằng, để làm được thì phải có các điều kiện. Mong Đảng, Nhà nước có quyết sách với ngành Giáo dục, trực tiếp là với thầy cô đúng nghĩa “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Bất cứ đất nước nào, nếu không phát triển giáo dục, không bằng con đường giáo dục sẽ đi sau thời đại.

Điều cũng rất cần chú trọng nữa là, cả nhà trường, phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến giáo dục đạo đức cho học sinh, thay vì tập trung quá nhiều vào kiến thức.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT).
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT).

Cần đặt người thầy vào vị trí xứng đáng

Trao đổi xung quanh sự việc tại Trường THCS Văn Phú, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) khẳng định, việc học sinh có lời lẽ, hành động xúc phạm giáo viên ở Tuyên Quang cho thấy học sinh đã vi phạm nghiêm trọng quy định những điều không được làm trong trường học.

Học sinh thường xuyên đưa điện thoại ra quay, ghi âm khi cô giáo đang giảng bài trong lớp. Đây là hành vi không được phép, nhưng câu hỏi đặt ra là nhà trường có phổ biến điều này cho học sinh không, giáo viên chủ nhiệm có nhắc nhở học sinh về điều này không mà học sinh lại liên tục vi phạm như vậy?

Thậm chí, có những học sinh có hành vi, lời nói,... không đúng chuẩn mực nhưng các em vẫn nghiễm nhiên xem đó là việc bình thường. Trong khi đó, những điều cấm đã được quy định rất rõ ràng, cụ thể. Người lớn, giáo viên, nhà quản lí lại không kiên quyết với những học sinh vi phạm những điều luật này.

Theo ông Thái Văn Tài, thiết chế trong một đơn vị đã có đủ quy định nhưng chưa thực hiện tốt dân chủ. Với sự việc diễn ra tại trường THCS Văn Phú, lỗi lớn nhất thuộc về hiệu trưởng. Người đứng đầu nhà trường có trách nhiệm cao nhất trước pháp luật về tất cả sự việc diễn ra trong nhà trường.

Trong nhà trường còn có Hội đồng trường có vai trò rất quan trọng, trong đó có đại diện cha mẹ học sinh, đại diện các tổ chức đoàn thể, đại diện chính quyền địa phương. Trong trường hợp cô giáo phản ánh nhưng không được người đứng đầu trường giải quyết, thì cô nên báo cáo với Hội đồng trường để được giúp đỡ.

Khách mời tham gia tọa đàm.
Khách mời tham gia tọa đàm.

Tại tọa đàm, PGS.TS Xã hội học Bế Trung Anh - Đại biểu Quốc hội khoá XV - chia sẻ: người thầy bao giờ cũng là tấm gương cho học trò. Nhưng hiện nay, nhiều thầy cô vì cơm áo gạo tiền mà phải làm thêm, bán hàng trên mạng…, không đủ thời gian dành cho công việc chuyên môn. Hình ảnh người thầy trong mắt học trò không còn như xưa.

Từ đó, ông Bế Trung Anh đặt vấn đề, giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng liệu chúng ta đã thực hiện được các chính sách để giáo dục thực sự là quốc sách hay chưa? Người thầy cần phải nỗ lực, nhưng mặt khác, xã hội cũng phải đặt họ vào vị trí xứng đáng để có thể toàn tâm với công việc, thăng hoa trong bài giảng. Điều này, mình ngành Giáo dục không thể làm được.

Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Văn Tài cho biết, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Luật Nhà giáo và bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ của thầy cô, xã hội để có thể giải quyết được những vấn đề chúng ta đang vướng trong hành lang pháp lý hiện nay.

Bài liên quan
UN Women và Bộ GD&ĐT thí điểm chương trình phòng ngừa bạo lực học đường
UN Women và Bộ GD&ĐT phối hợp thí điểm chương trình phòng ngừa bạo lực học đường trên cơ sở giới trong các cơ sở giáo dục thường xuyên.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ HS tấn công cô giáo ở Tuyên Quang: Tìm gốc rễ vấn đề để có giải pháp căn cơ