Loạt vũ khí quân đội Israel thu giữ từ các tay súng Hamas, bao gồm thiết bị nổ EFP.
EFP từng được phiến quân ở Iraq sử dụng sau đó được phổ biến cho nhiều lực lượng chống Mỹ tại Trung Đông. Iran được cho là quốc gia đứng sau phát triển loại chất nổ này.
Năm 2015, tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, khi đó từng nói rằng có khoảng 500 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương vì EFP tại Iraq.
EFP là vũ khí tự chế ứng dụng nguyên lý nổ lõm, bao gồm ống kim loại nhồi đầy thuốc nổ với một đầu được hàn kín, đầu còn lại hướng về mục tiêu và được lắp một đĩa kim loại lõm, thường làm từ thép hoặc đồng. Khi được kích hoạt, khối thuốc nổ sẽ làm biến dạng đĩa kim loại thành hình một đầu đạn và bắn nó đi với tốc độ cực cao.
Điều đáng lo ngại của EFP là nó có thể được chế tạo từ mọi vật dụng hàng ngày như lon cà phê, lọ hoặc chậu bếp kết hợp một tấm kim loại đồng và thuốc nổ nhồi bên trong.
Những mẫu EFP phức tạp hơn có thể được gắn nhiều khối kích nổ riêng biệt, tạo thành những hình đầu đạn khác nhau với khả năng xuyên thủng xe bọc thép hoặc tạo ra vô số mảnh kim loại, văng xa để hạ bộ binh.
Binh sĩ Mỹ kiểm tra thiết bị nổ EFP được lắp đĩa kim loại bằng đồng ở Iraq.
Trong khi các loại chất nổ tự chế thông thường khó có khả năng vô hiệu hóa xe thiết giáp hiện đại, EFP có thể vô hiệu hóa cả những loại xe kháng mìn (MRAP) hiện đại nhất của quân đội Mỹ và có thể gây hư hại cho xe tăng.
EFP chỉ có thể gây sát thương trong phạm vi vài chục mét, nhưng có sức xuyên phá rất cao, đặc biệt là khi nổ ngay bên cạnh mục tiêu.
Trong cuộc chiến tranh Iraq, EFP là chất nổ tự chế nguy hiểm nhất trong số các loại chất nổ mà binh sĩ Mỹ đối mặt. Phiến quân thường đặt EFP ở độ cao ngang cửa xe tại các khu vực đòi hỏi xe thiết giáp giảm tốc độ như giao lộ. EFP được kích hoạt thông qua cáp tín hiệu hoặc điều khiển từ xa. EFP có thể xé toạc phương tiện bọc thép, cùng với các mảnh đạn xuyên qua các binh sĩ không may đứng gần đó. EFP tạo ra thách thức vì chúng trông rất giống các vật thể bình thường, rất khó phân biệt hoặc các binh sĩ chỉ nhận ra khi đã quá muộn.
Hình dạng đĩa kim loại trước và sau khi thiết bị nổ EFP được kích hoạt.
Chuyên gia Spencer cho rằng, quân đội Israel biết về mối đe dọa của EFP và đã rút ra bài học trong chiến đấu, đặc biệt là quãng thời gian chiến đấu chống lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Lebanon.
Tuy nhiên, trong môi trường tác chiến đô thị chật chội và phức tạp như ở Dải Gaza, luôn có khả năng binh sĩ bị các tay súng Hamas phục kích với EFP giấu trong đống đổ nát, trong mạng lưới đường hầm phức tạp hoặc ở trên đường.