Ngày 3/4, tại TPHCM, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tập huấn Quy chế và nghiệp vụ tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chủ trì hội nghị.
Lưu ý 6 điểm mới
Tại hội nghị, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có 6 điểm mới gồm: Kỳ thi được tổ chức theo hướng giảm áp lực, giảm buổi thi từ 4 buổi thi còn 3 buổi thi; đề thi theo hướng đánh giá năng lực, có các môn thi mới theo chương trình GDPT 2018, môn Ngữ văn có thể sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa; đẩy mạnh chuyển đổi số, 100% thí sinh đều có thể đăng ký dự thi trực tuyến; tăng cường sử dụng kết quả đánh giá quá trình trong xét công nhận tốt nghiệp THPT từ 30% lên 50%.
Đồng thời thay đổi về chứng chỉ và điểm khuyến khích đối với môn Ngoại ngữ, Tiếng Việt, chứng chỉ nghề. Cụ thể, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ được miễn thi ngoại ngữ, người nước ngoài có chứng chỉ tiếng Việt được miễn thi môn Ngữ văn. Tuy nhiên, không quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp THPT, chỉ giảm môn thi với yêu cầu chứng chỉ phải còn hạn đến ngày 25/6/2025.
Cuối cùng là quy trình coi thi, chấm thi được điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với phương án tổ chức kỳ thi, đồng thời khắc phục các hạn chế, bất cập trước đây để tạo thuận lợi hơn cho các đơn vị trong quá trình thực hiện.
“Thí sinh chỉ ngồi 1 phòng thi trong suốt 3 buổi thi. Trong một buổi thi, khi kết thúc tất cả môn thi, thí sinh mới được rời khỏi điểm thi nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, khác với các năm trước là thí sinh được rời khỏi điểm thi sau khi kết thúc môn thi”, ông Huỳnh Văn chương cho biết.
Chia sẻ thêm về công tác in sao đề thi, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết, sẽ tăng gấp đôi mã đề thi so với các năm trước. Như vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có 48 mã đề thi, trong đó có 24 mã đề thi dành cho ca 1 và 24 mã đề thi dành cho ca 2. Việc in sao đề thi phải in đủ theo số lượng thí sinh trong phòng thi. Và việc in sao đề thi được thực hiện theo từng chương trình giáo dục phổ thông, không thực hiện đồng thời để tránh nhầm lẫn.
“Đối với học sinh dự thi theo Chương trình GDPT 2006, Sở GD&ĐT phải tổ chức 1 số điểm thi riêng dành cho các thí sinh này. Mô hình tổ chức, cách thức tổ chức, môn thi được giữ ổn định như năm 2024. Nếu chỉ có 1 thí sinh tham dự tỉnh cũng phải tổ chức 1 điểm thi riêng. Các điểm còn lại dành riêng cho học sinh thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018” - ông Chương nhấn mạnh.
100% các trường phải tổ chức thi thử
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi triển khai theo Chương trình GDPT 2018 với phương thức thi mới (2+2 môn thi). Kỳ thi được tổ chức gọn gàng, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội nhưng vẫn đảm bảo tính công bằng, chất lượng, đánh giá đúng chất lượng giáo dục phổ thông.
“Trong bối cảnh các tỉnh, thành đang thực hiện sắp xếp bộ máy, sáp nhập tỉnh, bỏ chính quyền cấp huyện, tác động và ảnh hưởng đến công tác tổ chức kỳ thi là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tôi mong các địa phương không vì chuyện sắp xếp bộ máy mà lơ là việc tổ chức kỳ thi”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng yêu cầu các địa phương phải dự báo khâu nào là khâu khó khăn nhất, dễ xảy ra rủi ro nhất trong công tác tổ chức kỳ thi, từ đó dự báo nhiệm vụ, giải pháp để chủ động huy động, bố trí lực lượng nhằm sẵn sàng ứng phó. Bên cạnh đó, các địa phương phải chỉ đạo kỹ lưỡng, cá thể hóa từng vị trí, nhiệm vụ với tinh thần gọn gàng, giảm áp lực, tốn kém nhưng vẫn đảm bảo tính trung thực, khách quan, kết quả được sử dụng đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông.
Nhấn mạnh muốn thi tốt phải dạy và học tốt, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu các Sở chỉ đạo tốt công tác dạy học, nhất là bối cảnh thực hiện Thông tư 29 về quản lý dạy thêm, học thêm. Trong đó, cần chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học để nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo kết quả học tập tốt cho các em học sinh trong quá trình học.
“Tinh thần những năm tới là hướng tới không ôn thi quá dài. Vì thế, năm tới, kỳ thi có thể được tổ chức ngay sau khi hoàn thành chương trình năm học, chứ không kéo dài việc ôn thi cả tháng như hiện nay”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT yêu cầu 100% các trường phải tổ chức thi thử, vận hành thật, đánh giá thật, sử dụng kết quả đó để phân loại học sinh để các em bổ sung kiến thức kịp thời. Đây cũng vừa là dịp để thầy cô giáo tập dượt công tác tổ chức, coi thi.
Ngoài ra, ngành giáo dục cần chủ động đề nghị các đơn vị như công an, y tế, điện lực… hỗ trợ, phối hợp để không chồng chéo và bỏ sót việc. Phải làm tốt công tác truyền thông, chủ động kịp thời và hiệu quả, nhất là các điểm mới của kỳ thi và việc đề thi là tối mật, nếu vi phạm thì phải xử lý hình sự để học sinh biết và tránh xa.
“Với tình hình tổ chức kỳ thi năm nay, các địa phương phải làm tốt công tác chuẩn bị, cả về cơ sở vật chất, con người. Trong đó, cần phải dự báo được những khó khăn, phức tạp, dễ xảy ra rủi ro, trên cơ sở đó dự báo các nhiệm vụ giải pháp tương ứng để sẵn sàng ứng phó, giải quyết”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, kỳ thi dự kiến có hơn 1,1 triệu thí sinh tham gia dự thi, chưa tính thí sinh tự do. Đối với thí sinh tự do, thí sinh được lựa chọn thi theo chương trình GDPT 2006 hay chương trình GDPT 2018.
Từ 21 đến ngày 28/4, thí sinh đăng ký dự thi trên hệ thống trực tuyến, sớm hơn so với mọi năm. Trước đó, từ ngày 15 đến ngày 18/4, thí sinh đăng ký thi thử trên hệ thống. Ngày 26 và 27/6, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra trên cả nước. Ngày 16/7, công bố kết quả thi.