Vụ Vạn Thịnh Phát: Vừa ngồi 'ghế nóng' 1 tháng, cựu sếp SCB vội xin từ chức

Minh Tuệ/VTC News | 21/11/2023, 08:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Được Trương Mỹ Lan cho làm quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB, nhưng chỉ sau 1 tháng, bị can Hoàng Minh Hoàn xin nghỉ vì áp lực công việc.

Với tham vọng nắm quyền chi phối số cổ phần Ngân hàng SCB, bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã đưa người của mình vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB như: Hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, giám đốc các chi nhánh lớn, trưởng ban kiểm soát để sử dụng những người này điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB.

Trong số này, bị can Hoàng Minh Hoàn làm việc tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (một trong ba ngân hàng hợp nhất thành SCB) từ tháng 3/2007, sau đó tiếp tục công tác tại Ngân hàng SCB (sau khi hợp nhất) đến khi bị khởi tố. Ông Hoàn trải qua nhiều vị trí, chức vụ khác nhau.

Sau khi Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng SCB nghỉ việc, Trương Mỹ Lan cho Hoàng Minh Hoàn làm quyền Tổng giám đốc. Tuy nhiên, mới chỉ ngồi ghế quyền Tổng giám đốc SCB được 1 tháng, ông Hoàn xin Trương Mỹ Lan cho nghỉ vì áp lực công việc.

Sau đó, Đinh Văn Thành (Chủ tịch SCB thời điểm đó) đề cử Trương Mỹ Lan cho Trương Khánh Hoàng lên thay vị trí của Hoàn.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Vừa ngồi 'ghế nóng' 1 tháng, cựu sếp SCB vội xin từ chức - Ảnh 1.

Bị can Hoàng Minh Hoàn trước khi bị khởi tố.

Quá trình công tác tại Ngân hàng SCB, Hoàn biết các hình thức cấp tín dụng cho khách hàng, gồm cho khách hàng vay thông thường và cho khách hàng vay là các cá nhân, tổ chức thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, được Trương Mỹ Lan chỉ đạo Ngân hàng SCB cho vay.

Trong đó, khi bị can đảm nhiệm chức vụ quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo Trương Khánh Hoàng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Tái thẩm định; Trần Thị Mỹ Dung, Phó Giám đốc Khối Tái thẩm định lập hồ sơ cho các khách hàng là cá nhân, tổ chức thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay vốn.

Thực hiện chỉ đạo của bà Lan, Hoàng và Dung chỉ đạo khối tái thẩm định lập tờ trình chuyển các chi nhánh để chỉnh sửa thành tờ trình đề xuất cho vay của chi nhánh, trình các cấp để ký, duyệt, cho vay ngay, mà không cần thẩm định.

Đối với tài sản bảo đảm, khối tái thẩm định cũng là đơn vị trực tiếp liên hệ với công ty thẩm định giá độc lập để làm chứng thư thẩm định giá.

Hoàn khai nhận, các khoản vay của khách hàng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chiếm tỷ lệ hơn 90% tổng số khoản vay của Ngân hàng SCB do Trương Mỹ Lan là chủ thực sự của ngân hàng này.

Ngoài chỉ đạo Hoàng và Dung, Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Phó Tổng Giám đốc, Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc, Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB để thực hiện cho vay.

Hoàn thừa nhận sai phạm của mình khi tham gia xét duyệt, cấp tín dụng trái quy định cho các khách hàng vay vốn theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.

Theo đó, từ 30/7/2020 đến 21/9/2022, Hoàn đã ký, phê duyệt 42 tờ trình tái thẩm định, 40 biên bản họp hội đồng Kinh doanh và đầu tư hội sở, 24 tờ trình Tổng giám đốc trình HĐQT đồng ý cho 39 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay 51 khoản vay có dư nợ hơn 2.900 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, Hoàng Minh Hoàn với vai trò đồng phạm giúp sức cho Trương Mỹ Lan phạm tội. Bị can Hoàng Minh Hoàn liên đới gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 2.400 tỷ đồng.

Trong vụ án này, Hoàng Minh Hoàn bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ Vạn Thịnh Phát: Vừa ngồi 'ghế nóng' 1 tháng, cựu sếp SCB vội xin từ chức