Đáng chú ý, tại thời điểm kiểm tra, cơ quan công an phát hiện nhân viên cơ sở này là bà T.T.T đang thực hiện cung cấp dịch vụ phẫu thuật can thiệp làm căng da mặt cho khách hàng.
Qua làm việc, bà T. không xuất trình được bất cứ chứng chỉ hành nghề nào và cho biết bà chỉ là nhân viên lao công dọn dẹp tại cơ sở.
Cơ sở thẩm mỹ này cũng không xuất trình được các giấy tờ pháp lý chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của 206 sản phẩm là vật tư y tế, dung dịch chất làm đầy (filler, botox), sụn mũi, dụng cụ cắt bao quy đầu…
Vụ việc được Đội Cảnh sát Kinh tế và Môi trường lập biên bản và tiếp tục điều tra, xử lý.
Trao đổi với ThS. BS Phạm Duy Linh - Thành viên hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, vị bác sĩ cho biết trong quá trình công tác, bác sĩ cũng đã tiếp nhận không ít trường hợp gặp biến chứng sau phẫu thuật do tay nghề, kỹ thuật không tốt. Trong đó, có những bệnh nhân tới khám đã bị nhiễm trùng, biến chứng nặng phải mổ cấp cứu để cứu chữa cho bệnh nhân.
Theo thống kê của Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, mỗi năm nước ta có 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó có khoảng 25.000-35.000 ca gặp biến chứng, chiếm tỉ lệ là 14%.
Bác sĩ Linh khuyến cáo khi làm đẹp cần phải tỉnh táo, lựa chọn cơ sở làm đẹp có chuyên khoa tạo hình phẫu thuật thẩm mỹ hoặc bệnh viện uy tín, bác sĩ giàu kinh nghiệm, có đầy đủ chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, có phòng mổ với quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt, do vậy sẽ hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng khi phẫu thuật thẩm mỹ.
Với những ca phẫu thuật lớn, có chỉ định gây mê như: các phẫu thuật hút mỡ tạo hình thành bụng, làm mũi cấu trúc, căng da mặt, đặt túi ngực... cần làm tại bệnh viện vì các phẫu thuật này đòi hỏi khâu gây mê và vô trùng nghiêm ngặt.