Vui buồn nghề giáo

18/11/2023, 19:18
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều kỉ niệm đẹp, thành tích đáng ghi nhận và cả những tâm sự thầm kín mang theo niềm trắc ẩn... để lại trăn trở, suy tư về nghề giáo.

Bên các em thầy quản chi vất vả.

Thắp ngọn lửa hồng, khơi trí sáng tâm.

Dù bóng đêm, ánh sáng cách ngăn.

Em vẫn nhận ra bao sắc màu cuộc sống.

Tàn không phế, vượt lên trên số phận.

Chăm chỉ luyện rèn, biết sống để tin yêu.

Một bông hồng em dành tặng cô.

Một vần thơ kính dâng thầy ngày hội lớn

Là lòng em chan chứa vô bờ.

Dù chia xa trong tim em vẫn nhớ

Lớp học không bình thường, chẳng phấn trắng bảng đen."

Có nhiều tâm sự, sẻ chia của các nhà giáo nhưng tâm sự của cô Nguyễn Thị Thảo để lại nhiều xúc động với người nghe.

Cô Thảo kể về quãng thời gian 30 năm gắn bó với trường giáo dục chuyên biệt. Nơi ấy là những học trò khiếm thị, học sinh không bình thường về nhận thức. Dù tốt nghiệp chuyên ngành Văn, cô có nhiều cơ hội để lựa chọn công việc khác, môi trường dạy học tốt hơn nhưng "duyên nghiệp" đã gắn bó cô với ngôi trường khiếm thị.

Lớp học tại Trường nuôi dạy Trẻ em Khiếm thị Hải Phòng.
Lớp học tại Trường nuôi dạy Trẻ em Khiếm thị Hải Phòng.

Cô Thảo cho hay: Những ngày đầu cô đến trường gặp trẻ em khiếm thị cô xúc động vô cùng, thậm chí cô bị ám ảnh, sang chấn tâm lý vì hình ảnh học trò. Bản năng thôi thúc cô phải làm gì đó cho các em, từ đó cô nguyện gắn bó cả thanh xuân với ngôi trường khiếm thị.

"Dạy các con, tôi được nhiều thứ. Tôi học cách sống chậm hơn, hiểu và thấu cảm được các em. Hơn hết, tôi học ở các em khát vọng, nghị lực sống, tinh thần ham học hỏi để chiếm lĩnh tri thức và nỗ lực vượt hoàn cảnh số phận" - cô Thảo nói.

Nỗi niềm người thầy tại ngôi trường chuyên biệt.
Nỗi niềm người thầy tại ngôi trường chuyên biệt.

30 năm gắn bó với trường, nhiều cảm xúc đọng lại trong cô. Kỉ niệm nhớ nhất là dịp 20/11 có 1 học sinh với gương mặt rất buồn đến gặp cô. Sau khi trò chuyện, tâm tình, cô học trò thổ lộ: "Em buồn vì không có quà tặng cô". Bằng tình yêu chân thành với "người mẹ hiền thứ 2", cô bé đã nỗ lực làm tăm bán lấy tiền để mua tặng cô giáo một bông hoa hồng. Món quà đã khiến cô Thảo xúc động, rưng rưng nước mắt.

"Ngày 20/11, nhà cô giáo hàng xóm lúc nào cũng đông vui, tấp nập, người ra người vào chúc mừng. Nhưng nhà tôi thì cửa đóng, then cài. Tôi có chút chạnh lòng, tủi thân. Nhưng vì tình yêu ngôi trường chuyên biệt, yêu những đứa trẻ không bình thường, tôi vẫn nỗ lực miệt mài trên bục giảng, chăm chỉ dìu dắt, dạy dỗ học trò" - cô tâm sự.

Cô Thảo luôn thầm nhủ, dạy học ở môi trường đặc thù, bản thân người giáo viên chịu nhiều thiệt thòi so với đồng nghiệp ở các trường phổ thông. Nhưng khi đặt mình vào hoàn cảnh trò, thử nhắm mắt lại để tưởng tượng thế giới xung quanh cô càng hiểu và thấu cảm trò hơn. Những lúc đó cô tự nhủ hãy sống chậm lại để lại để đồng hành cùng các con trên con đường đi tìm tri thức.

Nhân dịp ngày 20/11, cô Nguyễn Thị Nhung, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Vĩnh Bảo được nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT. Chia sẻ cảm xúc về nghề, cô Nhung bày tỏ: Tài sản vô giá của người thầy là sự thành đạt của học sinh. Cô may mắn công tác tại ngôi trường có truyền thống học sinh hiếu học ngoan ngoãn và nhiều em trưởng thành, ngôi trường từng có học sinh thủ khoa toàn quốc.

Quá trình dạy dỗ học trò, cô Nhung luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tích cực đổi mới phương pháp mang lại những bài giảng thú vị cho học trò. Cô được học sinh yêu mến, phụ huynh tin yêu. Cô Nhung cho rằng, kinh nghiệm nhiều năm công tác cô nhận ra rằng "chỉ có tình cảm xuất phát từ trái tim mới đến được trái tim". Thầy cô phải thực sự là người mẹ, người cha thứ 2 để thấu hiểu cảm xúc, tâm tư của trò.

Còn đó nhiều suy tư

Cô Đỗ Thị Huần, Hiệu trưởng Trường mầm non An Đồng 1, huyện An Dương bày tỏ: Đặc thù ở bậc học mầm non thời gian lao động của thầy cô nhiều hơn. Môi trường giáo dục không chỉ là dạy còn dỗ dành, chăm sóc, vì thế các cô giáo phải thực sự yêu nghề, mến trẻ mới tâm huyết sớm tối ở trường.

Bên cạnh đó, bắt nhịp với những đổi mới trong giáo dục, các cô giáo của Trường mầm non An Đồng 1 luôn nỗ lực cùng nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Cùng trao đổi, sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, xây dựng kế hoạch bài dạy, ứng dụng công nghệ thông tin đem lại cho học sinh tri thức, kĩ năng cơ bản là hành trang bước vào đời.

Bản thân cô Huần luôn tâm huyết gần gũi học sinh, giáo viên để động viên đội ngũ tự nguyện cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của huyện và của thành phố.

Ngành Giáo dục huyện An Lão với các hoạt động STEM.
Ngành Giáo dục huyện An Lão với các hoạt động STEM.

NGƯT Phạm Thị Thanh An, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung, huyện An Lão chia sẻ về vai trò vai trò phụ huynh và giáo viên trong công tác giáo dục nhà trường.

Cô An cho rằng, phụ huynh có vai trò quan trọng trong giáo dục trẻ và đóng góp nguồn lực cho sự phát triển của nhà trường. Thực tế, qua nhiều năm, phụ huynh nhà trường đã song hành, phối hợp chặt chẽ để mang lại chất lượng giáo dục tốt.

Tuy nhiên, gần đây với sự phát triển nền tảng công nghệ thông tin và mạng xã hội, nhiều phụ huynh còn có hiểu biết chưa đầy đủ, phiến diện về nghề giáo, có những bình luận đánh giá không đúng, làm nhà giáo tổn thương, áp lực và chán nản.

Vì thế, để môi trường giáo dục tốt nhất cho con em mình, phụ huynh cần nhìn nhận khách quan, nhiều chiều và tránh những ác cảm không đáng có về nghề giáo, để thầy cô có động lực, an tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/vui-buon-nghe-giao-post661253.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/vui-buon-nghe-giao-post661253.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vui buồn nghề giáo