Vùng cao gắn STEM với Chương trình mới

Hà An | 27/02/2023, 11:32
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ứng dụng công nghệ, giáo dục STEM đã đưa các bài học trong sách giáo khoa đến gần hơn thực tế, điều này ý nghĩa lớn đối với giáo dục vùng cao.

Đổi thay tích cực

Trường TH&THCS số 2 Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái nhiều năm qua đội ngũ thầy, cô giáo của Tổ Khoa học tự nhiên, đã luôn nỗ lực đổi mới sáng tạo trong hoạt động dạy học. Đặc biệt thời gian qua, triển khai dạy học thay sách, các thầy cô giáo đã đổi mới, sáng tạo mang đến cho học sinh những giờ học lý thú, khơi dậy khả năng vận dụng và sáng tạo cho học sinh. Trong đó phải kể đến những tiết học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ dạy học theo định hướng giáo dục STEM.

Là trường miền núi, khu vực đặc biệt khó khăn, học sinh đa số là người dân tộc thiểu số nên các thầy cô giáo càng tích cực ứng dụng STEM để tạo sức hấp dẫn trong giờ học. Thầy giáo Liễu Anh Cường, hiệu trưởng nhà trường cho biết: STEM đã giúp học sinh đến gần hơn những kiến thức Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, sinh học, địa lý và Toán học.

Với tinh thần đổi mới, phương pháp dạy học theo định hướng giáo dục STEM đã đáp ứng yêu cầu tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, qua từng bài học, công nghệ đã thực sự đồng hành hiệu quả với chứng tôi.

Nhà giáo Vũ Quốc Long, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Trấn Yên cho rằng STEM đã tạo sự đổi thay tích cực trong dạy học chương trình GDPT mới: Những tiết học theo chủ đề STEM của các nhà trường trên địa bàn huyện, ứng dụng công nghệ đã giúp, thực sự tạo sự hứng khởi, luôn sôi nổi đem lại những hiệu ứng tích cực cho học sinh, học sinh được trải nghiệm thực tế, được quan sát, chia sẻ và tương tác, từ đó phát triển năng lực thu nhận và xử lí thông tin, năng lực tư duy, năng lực sáng tạo, năng lực ngôn ngữ, năng lực giao tiếp, hợp tác.

Vùng cao gắn STEM với Chương trình mới ảnh 1

Qua những giờ học STEM, ứng dụng công nghệ thông tin, học sinh đã được trải nghiệm thực tế, thỏa sức sáng tạo.

Việc vận dụng kiến thức lý thuyết các môn học vào thực tiễn cuộc sống không chỉ thể hiện ở chỗ học sinh có kĩ năng để giải quyết các vấn đề liên quan đến nội dung bài học mà còn giải quyết các vấn đề đa dạng thực tiễn cuộc sống theo nguyên tắc giáo dục “học đi đôi với hành, lí thuyết gắn với thực tiễn”.… Qua những giờ học STEM học sinh đã được trải nghiệm thực tế, thỏa sức sáng tạo và tự mình làm ra được những sản phẩm ứng dụng trong thực tế như làm bình lọc nước, ươm rau mầm phục vụ cho gia đình.

Nâng cao chất lượng dạy – học

Ba Chẽ là huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ninh có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Triển khai chương trình GDPT 2018, giáo dục STEM (khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán) đã góp phần không nhỏ trong việc tăng cường và nâng cao chất lượng các hoạt động nghiên cứu khoa học trong các nhà trường. Đây thực sự là một sân chơi bổ ích, mới mẻ và hứng thú dành cho học sinh và giáo viên. Các thầy cô giáo xác định được tầm quan trọng của giáo dục STEM trong việc giúp học sinh phát triển toàn diện, tăng khả năng, kỹ năng về thực hành và ứng dụng.

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ, bà Hoàng Thị Oanh cho biết: Triển khai dạy học chương trình GDPT 2018, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các nhà trường có cấp THCS trong toàn huyện tăng cường hoạt động này vào giảng dạy tại trường với nhiều nội dung cụ thể, thiết thực. Các nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm liên quan đến STEM. Đa số các thầy cô giáo đều tích cực học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, áp dụng nhiều hình thức dạy học, xây dựng và thực hiện các chủ đề liên môn, mang lại nhiều hứng thú trong học tập cho học sinh.

Vùng cao gắn STEM với Chương trình mới ảnh 2

Niềm vui của học sinh vùng cao Ba Chẽ khi tham gia các ngày hội STEM.

STEM đã góp phần nâng cao chất lượng dạy – học trong các nhà trường, thực hiện triển khai tổ chức dạy học các môn học thuộc lĩnh vực STEM (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ) theo tinh thần dạy học liên môn và xây dựng và dạy học các chủ đề giáo dục STEM, một số nhà trường thực hiện đạt hiệu quả cao như Trường THCS Thị trấn, Trường PTDT Nội trú… Trong đó nhiều giáo viên đã sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin triển khai hiệu quả các hoạt động dạy học trên lớp và trải nghiệm.

Cô Vũ Thu Hà, giáo viên Trường PTDT Nội trú huyện Ba Chẽ, chia sẻ: STEM và ứng dụng công nghệ đã tạo sự đổi thay trong hoạt động dạy học. Từ năm học 2020-2021, chương trình giáo dục Stem được thực hiện bắt buộc đối với các môn tự nhiên trong các nhà trường. Thực tế cho thấy, việc áp dụng phương pháp Stem trong dạy học khiến học sinh hứng thú, say mê hơn. Đặc biệt, thông qua thực hành, các hoạt động trải nghiệm, các em biết vận dụng kiến thức vào thực tế để chế tạo, làm các sản phẩm tái chế... Điều này đã giúp nâng cao chất lượng dạy học trong các nhà trường.

Việc áp dụng vào thực tế công tác giảng dạy của các nhà trường ở các trường khu vực vùng cao, vùng có nhiều học sinh người dân tộc thiểu số đã cho thấy giá trị tích cực, học sinh đã chăm học hơn, giờ học trở nên lôi cuốn và hấp dẫn hơn, chất lượng dạy - học được nâng cao.

Tuy nhiên, để Stem phát huy tác dụng tốt hơn nữa, cần triển khai sâu rộng dạy học các môn liên quan đến STEM. Tăng cường tổ chức các cuộc thi, các hội thảo, chuyên đề liên quan đến giáo dục STEM để nhân rộng những kinh nghiệm hay triển khai giáo dục STEM.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vùng cao gắn STEM với Chương trình mới