Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, bồi dưỡng dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý giúp giáo viên giải tỏa khó khăn, lúng túng trong thực tế. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào cách triển khai bài dạy tích hợp, kiểm tra, đánh giá phù hợp điều kiện thực tế và đáp ứng tinh thần, mục tiêu đề ra của môn học.
Các cơ sở giáo dục cũng tích cực đổi mới quản trị, chủ động xây dựng chương trình nhà trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng nhiều phần mềm trong quá trình quản lý.
Việc lựa chọn sách giáo khoa theo chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách” được đánh giá phù hợp với xu hướng phát triển xã hội. Qua đó, tạo điều kiện để nhà trường, học sinh lựa chọn tìm bộ sách chất lượng và phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội mỗi địa phương.
Tuy nhiên, khó khăn chưa thể giải quyết ngay như tình trạng thiếu giáo viên dạy văn hóa, môn Tiếng Anh, Tin học, các môn nghệ thuật… Tình trạng này dẫn đến bố trí giáo viên các trường khó khăn.
Trong quá trình triển khai, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, nhất là thiết bị tối thiểu đáp ứng yêu cầu thực hiện lớn nhưng nguồn ngân sách đầu tư hạn hẹp, không đủ cung ứng hoặc cung ứng chậm, chưa đồng bộ.
Sinh hoạt chuyên môn cấp cụm trường và dạy tiết học thể nghiệm tại Trường THPT Diễn Châu 3, Nghệ An. Ảnh: NTCC |
Theo ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, Chương trình GDPT 2018 đến năm học 2023 - 2024 có thể nói đã ổn định, thành công, đi theo xu hướng phát triển giáo dục khai phóng.
Trước vấn đề Bộ GD&ĐT biên soạn 1 bộ sách giáo khoa theo tinh thần Nghị quyết 88, đại diện ngành Giáo dục Nghệ An nêu ý kiến, Bộ không nên tham gia biên soạn sách giáo khoa cho tất cả môn học. Tuy nhiên, với một số môn đặc thù, Bộ cần giữ vai trò chủ đạo.
Cụ thể, các môn thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ không nhất thiết Bộ phải đứng ra biên soạn sách giáo khoa. Vì đây là môn học về khoa học, tri thức, chân lý của nhân loại. Còn với lĩnh vực khoa học xã hội, Bộ cần cân nhắc việc biên soạn sách giáo khoa một số môn.
Mục đích nhằm giữ vai trò chủ đạo trong định hướng giá trị lý tưởng, đạo đức cách mạng cho học sinh trong độ tuổi hình thành và phát triển nhận thức, phẩm chất. Đồng thời biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc và tài liệu cho học sinh khiếm thị để đảm bảo công bằng trong tiếp cập giáo dục.
Về phía ngành Giáo dục Nghệ An xác định giai đoạn tới, khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên vẫn tác động đến quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018.
Sở sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên cho giáo viên cốt cán, đại trà. Qua đó giúp giáo viên thuận lợi khi tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục.
Tuy nhiên, các nhà trường, giáo viên cần linh hoạt, xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp hoàn cảnh thực tế. Tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh.
Tăng cường sinh hoạt chuyên môn liên trường, cụm trường để rút kinh nghiệm, chia sẻ giải pháp dạy học hiệu quả. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tiếp tục làm tốt công tác truyền thông để nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của phụ huynh học sinh.
Chương trình GDPT 2018 giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục được chủ động xây dựng chương trình nhà trường. Trong đó xác định mục tiêu, tầm nhìn rõ ràng, phù hợp thực tiễn về học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất cũng như điều kiện kinh tế xã hội, đặc điểm văn hóa của địa phương.
Trong quá trình thực hiện, giao quyền chủ động cho các giáo viên trong tổ chức dạy và học, lấy kết quả và sự tiến bộ của học sinh là thước đo đánh giá cuối cùng...
Sở GD&ĐT Nghệ An tiếp tục tham mưu chính sách tạo động lực, hành lang pháp lý thực hiện các giải pháp phát triển giáo dục. Tích cực tuyển dụng giáo viên theo định biên được giao để bố trí đủ 2 tiết/tuần. Huy động mọi nguồn lực đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học, ưu tiên trang bị máy tính để học Tin học, phòng học Ngoại ngữ.
Đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền để xã hội, phụ huynh hiểu, ủng hộ và đồng hành với nhà trường, giáo viên trong thực hiện Chương trình GDPT 2018 những năm tới. Tham mưu với chính quyền địa phương để ban hành các quyết sách nhằm cụ thể hóa văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo.