Thực tiễn thực hiện hợp đồng giáo viên theo Nghị định 111 vẫn còn những khoảng lặng...
Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ (Nghị định 111) về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập đã mở ra nhiều cơ hội cho ngành Giáo dục trong việc giải bài toán thiếu giáo viên.
Đến nay, nhiều địa phương đã bố trí dự phòng ngân sách để hợp đồng giáo viên theo yêu cầu của quá trình triển khai chương trình - sách giáo khoa mới.
Cơ chế hợp đồng theo Nghị định 111 đã cải thiện quyền lợi cho thầy cô. Trước đó, mặc dù giáo viên hợp đồng được tuyển dụng với tiêu chuẩn tương đương, thực hiện công tác giảng dạy; sinh hoạt chuyên môn, chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng… nhưng thu nhập thấp hơn nhiều so với giáo viên biên chế.
Nhiều địa phương áp dụng hình thức hợp đồng giao khoán, dù thầy cô hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội. Lương tính theo số tiết khiến những tháng hè, Tết giáo viên không có thu nhập.
Thực hiện hợp đồng theo Nghị định 111, thầy cô được đóng bảo hiểm xã hội, có lương hè; được bố trí tập huấn chuyên môn... Nhờ thế, việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng năm học vừa qua có sức hút hơn, góp phần đáp ứng yêu cầu giảng dạy.
Tuy vậy, thực tiễn thực hiện hợp đồng giáo viên theo Nghị định 111 vẫn còn những khoảng lặng. Hiện còn không ít địa phương chưa ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện theo Nghị định 111, nên vẫn tồn tại hình thức hợp đồng khoán.
Thời gian ký hợp đồng theo Nghị định 111 quá ngắn, thường từ 7 - 9 tháng nên thầy cô vẫn tâm tư về chuyện ổn định đường dài. “Hợp đồng có thời gian khá ngắn nên chúng tôi chưa thể ổn định và yên tâm công tác. Nếu các giáo viên thi đỗ biên chế được tuyển về trường thì không biết bản thân sẽ đi đâu, về đâu”, một số giáo viên chia sẻ. Bên cạnh đó, phần đông người lao động hợp đồng theo Nghị định 111 tại nhà trường hiện không có tiền tăng thu nhập.
Tình trạng thiếu giáo viên đang nóng tại các địa phương. Tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học. Tỷ lệ giáo viên/lớp thấp hơn định mức quy định. Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ tham mưu trình Bộ Chính trị phê duyệt 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương trong giai đoạn 2022 - 2026.
Tuy nhiên, tuyển giáo viên biên chế có mùa, vụ, qua nhiều trình tự thủ tục, trong khi biến động giảm giáo viên ngày càng bất ngờ, phức tạp, không chỉ thừa thiếu cục bộ, nghỉ hưu, thai sản, ốm đau, mà còn cả tình trạng bỏ việc. Vì thế, cơ chế giáo viên hợp đồng vẫn là sự co giãn cần thiết để giải quyết bài toán khủng hoảng nhân sự.
Thời gian qua, Chính phủ, ngành Giáo dục và các địa phương đặc biệt quan tâm, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên hợp đồng, không chỉ vì quyền lợi của thầy cô mà còn vì chất lượng giáo dục nói chung.
Để giúp nhà giáo yên tâm công tác, một số địa phương đã tính đến phương án số giáo viên trúng tuyển hợp đồng của năm học đầu tiên triển khai theo Nghị định 111/2022 tiếp tục được ký tiếp hợp đồng trong năm học tiếp theo nếu đạt yêu cầu về xếp loại lao động. Tuy vậy, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, đa số thầy cô vẫn mong mỏi được vào biên chế.
Song song với việc rút ngắn khoảng cách hợp đồng - biên chế, quan trọng nhất là cần tạo điều kiện cho thầy cô hợp đồng gắn bó lâu dài nếu đủ năng lực.
Năm 2019, Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với số giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.
Nên chăng đây cũng là một chỉ dẫn tham khảo để xem xét thêm điểm ưu tiên trong tuyển dụng viên chức đối với giáo viên hợp đồng thâm niên, đủ điều kiện nói chung, giúp thầy cô thêm vững tâm công tác.