Vượt định kiến, thỏa đam mê

Hà Nguyên | 13/03/2023, 07:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Câu lạc bộ (CLB) Nữ sinh Bách khoa góp phần thay đổi cách nhìn của xã hội về nữ sinh trong các trường đại học kỹ thuật.

Với đặc thù ít sinh viên nữ theo học, Câu lạc bộ (CLB) Nữ sinh Bách khoa của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng là môi trường thuận lợi để các sinh viên nữ có điều kiện trao đổi về học thuật, nghiên cứu khoa học và áp dụng các kỹ năng vào thực tế.

Xóa bỏ định kiến giới

Võ Thị Bích Ngọc (sinh viên lớp 20X2, Khoa Xây dựng công trình thủy, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) kể: “Rất nhiều người khi biết ngành nghề tôi theo học đều nói: “Con gái mà học xây dựng hả. Con gái học xây dựng khổ lắm, sau này làm kỹ sư không phải là điểm mạnh cho con gái đâu...”. Chọn theo học ngành xây dựng, Bích Ngọc vừa chinh phục ước mơ của bản thân nhưng cũng để chứng minh rằng, không có giới hạn về giới cho mọi ngành nghề.

“Có không ít người cho rằng, đam mê là một khái niệm quá mơ hồ. Thực tế, sẽ chẳng nhà tuyển dụng nào quan tâm bạn yêu thích hay tâm huyết với điều gì. Điều họ cần là những nhân sự biết cách làm việc hiệu quả. Thế nhưng, việc đáp ứng đòi hỏi đó sẽ là bất khả thi nếu bạn luôn cảm thấy chán nản mỗi ngày. Dù là ngành nghề nào, bạn sẽ luôn tìm thấy cơ hội nếu có đủ năng lực và sự yêu thích, ngay cả khi bạn là một nữ sinh học khối kỹ thuật”, Ngọc chia sẻ.

CLB Nữ sinh Bách khoa của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng là nơi sinh hoạt của sinh viên nữ khối STEM với mong muốn góp phần thay đổi cách nhìn của xã hội về nữ sinh trong các trường đại học kỹ thuật. Ngoài ra, các thành viên của CLB được trang bị kỹ năng, kiến thức áp dụng trong hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH), học tập, hoạt động xã hội và đổi mới sáng tạo - khởi nghiệp.

“Từ không biết nói gì trong buổi phỏng vấn cộng tác viên của Liên chi Đoàn, ngay cả điền cái link đăng ký tham gia CLB cũng bị trượt ngay từ vòng đánh giá đơn mà gần đây lại có người nói “mình có khả năng nói tốt”“, Hồ Ngọc Nhi – sinh viên ngành Kinh tế xây dựng, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng hồ hởi chia sẻ “thành quả” sau một thời gian tham gia CLB.

Qua những lần bị “đánh trượt”, Nhi tìm được nơi phù hợp với mình, đó là GDUT (CLB Nữ sinh Bách Khoa) và SC (SClub - CLB Kỹ năng mềm Đà Nẵng). Với 2 CLB này, Nhi được trải nghiệm nhiều vị trí khác nhau, từ thành viên, đến cộng tác viên, rồi trở thành Chủ nhiệm. “CLB sẽ không dạy cho mình bất kỳ thứ gì, mà chỉ tạo điều kiện để mình học hỏi và thay đổi. Quan trọng là mình có chịu nhìn thấy và thay đổi hay không mà thôi. Thật cảm ơn khi mình đã nhìn thấy được điều đó”, Nhi nói.

Các thành viên của CLB Nữ sinh Bách khoa đã tham gia chuyên đề về Giải quyết định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới như “Gen Z hành động giảm thiểu định kiến giới”; “Nhà bao nhiêu cột, bao nhiêu nền, bao nhiêu nóc”, “Bình đẳng giới, truyền làm sao cho thông”... Cùng với kiến thức, kỹ năng liên quan đến truyền thông bình đẳng giới, những hoạt động của dự án cũng đồng thời trang bị cho sinh viên nữ có sự thay đổi định kiến về khả năng của các giới; hình tượng nam tính – nữ tính và khuôn mẫu về vai trò của các giới. Từ buổi tập huấn này, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng có một sáng kiến đoạt giải Nhì với đề tài Định kiến giới về khả năng ra quyết định của mỗi giới trong gia đình với số tiền 35 triệu đồng để triển khai các hoạt động của dự án. Ngoài ra, còn có một dự án đoạt giải Khuyến khích trong cuộc thi Sáng kiến thanh niên “giải quyết vấn đề định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới” lần thứ 2.

Vượt định kiến, thỏa đam mê ảnh 1

CLB nữ sinh Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tặng quà Tết cho hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán 2023 từ các hoạt động gây quỹ.

Khích lệ tinh thần nghiên cứu khoa học

Đoạt giải thưởng Nữ sinh tiêu biểu trong lĩnh vực Khoa học công nghệ năm 2021, Thái Thị Thu Loan xem đó là phần thưởng cho quyết định táo bạo khi dồn đam mê để theo đuổi ngành học vốn được mặc định “dành cho nam giới”. Yêu thích tin học từ nhỏ, suốt những năm học phổ thông, Loan đã tham gia các cuộc thi lập trình thi đấu, thuật toán, viết chương trình game đơn giản... Những thành công nho nhỏ này đã giúp Loan nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ trở thành sinh viên công nghệ thông tin.

Cô sinh viên Khoa Công nghệ thông tin của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã đoạt giải Nhì cuộc thi CodeWar 2018, giải Nhì cuộc thi DUTPC 2020, vào chung kết cuộc thi DUTP 2021 do khoa Công nghệ thông tin tổ chức. Loan cũng viết các phần mềm có tính ứng dụng cao như Hệ thống so khớp khuôn mặt để chống thi hộ, Hệ thống quản lý các hoạt động thiện nguyện...

Tương tự, Phan Thị Mai, sinh viên Khoa Điện, chuyên ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã đạt nhiều giải thưởng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Mai chia sẻ, thời gian đầu tham gia nghiên cứu khoa học, bản thân gặp không ít khó khăn khi chưa linh hoạt trong áp dụng các kiến thức đã học để giải quyết tình huống thực tế; tư duy khoa học còn hạn chế. Ngoài sự hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt tình từ thầy cô, Mai tích cực tham gia hoạt động thi đua của khoa, chiến dịch tình nguyện để tích lũy kỹ năng mềm cùng kiến thức xã hội.

Với nhiều đề tài được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn như Máy sát khuẩn tự động, Găng tay phục hồi chức năng... sinh viên Phan Thị Mai đã đoạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học các cấp. Năm 2020, Phan Thị Mai được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Năm học 2022 – 2023, Phan Thị Mai cùng nhóm nghiên cứu đoạt thêm Giải thưởng tiềm năng trong cuộc thi BIOGAS SYMPOSIUM 2022 tại Hội nghị về khí sinh học quốc tế năm 2022 với đề tài Áp dụng IoT và tự động hóa trong quy trình sản xuất biogas.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, Thái Thị Thu Loan nhận lời mời của một công ty sang làm việc tại Nhật Bản. Loan cho biết, quá trình làm việc cũng đồng thời là thời gian tự học để có thể quay về cống hiến cho quê hương Đà Nẵng. “Em đặc biệt hứng thú với lĩnh vực y khoa – giáo dục. Em mong bản thân có thể kết hợp niềm đam mê đó với kiến thức chuyên ngành công nghệ của mình để tạo ra nhiều phần mềm đóng góp cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực này nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí và các nguồn lực khi thực hiện” – Thu Loan cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vượt định kiến, thỏa đam mê