Mùa tuyển sinh lớp 10, năm 2021, em Nguyễn Xuân P. (cựu HS lớp 9, Trường THCS Lê Độ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) chọn nguyện vọng 1 vào Trường THPT Phan Châu Trinh, nguyện vọng 2 vào Trường THPT Hoàng Hoa Thám. Đây là 2 trường thuộc tốp đầu, năm nào cũng có điểm trúng tuyển cao nhất, nhì của thành phố. Tỷ lệ chọi vì thế cũng rất cao.
Chị Nguyễn Thị H.P, mẹ của P. kể: “Theo phân tích của cô giáo, dù học lực của cháu rất tốt, nhưng cả nguyện vọng 1 và 2 đều là trường tốp đầu, điểm trúng tuyển thường chênh lệch nhau không nhiều. Nếu như không đủ điểm vào nguyện vọng 1 gần như con cũng mất luôn cơ hội vào nguyện vọng 2 và chỉ có thể theo học ở các trường ngoài công lập hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên”. Những điều này, chị P đều phân tích cho con thấy. Tưởng là con sẽ đổi nguyện vọng 2 vào trường THPT công lập tốp giữa để có được sự an toàn trong xét tuyển nên chị P. chọn cách thuyết phục thẳng thắn nhất. Nhưng P. nhất định không thay đổi nguyện vọng. P. học ngày học đêm, gần như chỉ rời bàn học vào giờ ăn. Nhìn con chong đèn học đến 1 - 2 giờ sáng, tìm đủ các đề thi tham khảo để thử sức, chị P. biết mình vô tình đã tạo thêm áp lực cho con. Bởi trong khi kỳ thi với sự sàng lọc cao, với con, cũng là áp lực lớn.
P. nhớ lại: “Thời gian đó, chúng em vừa tham gia học trực tuyến theo thời khóa biểu vừa theo dõi thông tin về tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của thành phố để... dự đoán lịch thi. Buổi sáng, chúng em có 4 tiết học online với thầy cô giáo. Trong đó, chủ yếu thầy cô sẽ giải đáp thắc mắc, hướng dẫn cách làm câu hỏi khó của các đề kiểm tra đã được giao cho HS trước đó. Giờ tự học, em và bạn phải tự làm các dạng đề kiểm tra được thầy cô lựa chọn và gửi qua mạng”. Theo P., em vẫn thích được ôn tập trực tiếp hơn, vì có “không khí lớp học” chứ ngồi nhà học hay dễ bị phân tâm.
Năm 2021, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của thành phố Đà Nẵng phải lùi lại gần nửa tháng so với dự kiến vì ảnh hưởng dịch. “Thời gian ôn tập càng dài, em càng áp lực vì sợ mình quên đi một dạng bài nào đó. Thế là lại càng lao vào ôn tập. Nhưng càng lo lắng, căng thẳng thì học lại càng khó”, P. kể.
Ngày thi đầu tiên, P. xin mẹ không ăn sáng vì cứ ăn vào là muốn nôn ói. Mặc dù mẹ tìm mọi cách động viên, ép con ăn vì sợ không đủ sức làm bài thi nhưng P. nhất định để bụng đói đi thi. Ba buổi thi, với P. thực sự căng thẳng dù em làm bài rất tốt. “Đi thi về mà em không dám dò lại bài, chỉ sợ nếu mình sơ suất lại ảnh hưởng đến kết quả thi của những môn còn lại”, P. chia sẻ.
Kết quả của kỳ thi tuyển sinh năm đó, P. đủ điểm trúng tuyển vào nguyện vọng 1. Chị H.P tâm sự: “Rất may cháu đỗ vào trường đúng như nguyện vọng. Chúng tôi vẫn chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất là cháu sẽ theo học một trường tư thục nếu trượt cả nguyện vọng 2. Nhưng nói thật là cả 2 vợ chồng không thể hình dung được, cháu sẽ chấp nhận kết quả như thế nào. Chưa kể, gánh nặng kinh tế của ba năm học trường tư cũng là áp lực với gia đình”.