Vượt qua cảm giác khó chịu trong thi cử

24/02/2023, 18:59
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nếu học sinh lo lắng, bồn chồn, đầu óc trống rỗng, dạ dày cồn cào khi làm bài thi, đó có thể là dấu hiệu của chứng lo âu thi cử.

Ước tính 25-40% học sinh ở Mỹ đều trải qua chứng lo âu thi cử. Ảnh: Parents.

Cảm thấy lo lắng trước hoặc trong khi làm bài kiểm tra là điều bình thường. Tuy nhiên, khi việc các kỳ thi diễn ra liên tục và cơ thể xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, khó thở, khó tập trung, đây có thể là dấu hiệu của chứng lo âu thi cử.

Theo US News, chứng này khá phổ biến, ước tính 25-40% học sinh ở Mỹ đều trải qua các cảm giác này. Một số bài kiểm tra thậm chí gây lo lắng nhiều hơn cho học sinh.

Dấu hiệu

Các nhà nghiên cứu định nghĩa chứng lo âu thi cử là tình trạng sinh lý, trong đó, cơ thể trải qua cảm giác căng thẳng, lo lắng và khó chịu tột độ trước hoặc trong khi làm bài kiểm tra.

Bà Francyne Zeltser, Giám đốc lâm sàng tại Manhattan Psychology Group (Mỹ), lưu ý sự lo âu trong kỳ thi là một trải nghiệm khá chủ quan, không phải tất cả trẻ em đều trải qua các triệu chứng giống hệt nhau.

“Chúng tôi thường thấy các triệu chứng thể chất như tim đập nhanh, lòng bàn tay đổ mồ hôi, cơ thể căng thẳng, thở gấp. Một số khác nhìn có vẻ như đang bị phân tâm nhưng thực tế chúng đang đấu tranh nội tâm", bà Zeltser nói.

Bà Kate Sheehan, CEO trung tâm Giáo dục và Hỗ trợ Phục hồi Lo âu Trẻ em (UCLA), cho biết thêm trong khi làm bài thi, giáo viên có thể nhận thấy một đứa trẻ có vẻ cáu kỉnh hơn bình thường hoặc hơi bồn chồn.

Theo US News, những đứa trẻ mắc chứng này thường lo lắng về việc thi trượt, bị điểm kém hoặc học kém hơn các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, học sinh có xu hướng không chia sẻ lo lắng với cha mẹ.

Về lâu dài, chứng lo âu thi cử có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập của trẻ, dần dần suy giảm lòng tự trọng.

Bà Sheehan nhận định thông thường, giáo viên có thể nhận ra chứng lo âu của học sinh trước cha mẹ. Tuy nhiên, phụ huynh có thể dễ dàng nhận thấy dấu hiệu lo lắng ở trẻ vào ngày hoặc đêm trước kỳ thi (như đau đầu, đau bụng) và có thể giúp con quản lý nó.

lo au thi cu anh 1

Những đứa trẻ mắc chứng lo âu thi cử thường lo lắng về việc thi trượt, bị điểm kém hoặc học kém hơn các bạn cùng trang lứa. Ảnh: Woodburn Pediatric.

Rèn kỹ năng quản lý thời gian và căng thẳng

Theo US News, nhiều trẻ em lo sợ không thể hoàn thành bài kiểm tra kịp thời, vì vậy, việc dạy trẻ kỹ năng quản lý thời gian có thể hữu ích.

Phụ huynh có thể dạy trẻ lập kế hoạch, chia các dự án lớn thành nhiệm vụ nhỏ để học sinh chuẩn bị tâm lý sẵn sàng. Vào thời điểm thi, trẻ nên hoàn thành câu dễ trước, sau đó quay lại câu khó.

Ngoài ra, trẻ cần tập quản lý căng thẳng như hít thở sâu, giúp cảm thấy sẵn sàng và bớt lo lắng khi đến giờ làm bài kiểm tra.

Tránh việc coi trọng điểm số

Trẻ mắc chứng lo âu thi cử rất có thể mang nỗi sợ làm cha mẹ thất vọng. Theo bà Erainna Winnett, cựu cố vấn các trường tiểu học ở Texas (Mỹ), bố mẹ thường vô tình gây áp lực cho con qua việc khen chúng thông minh, luôn làm rất tốt.

"Trẻ em cần thất bại và biết cảm giác thất vọng. Không trải qua nó, trẻ sẽ khó khăn khi đối mặt với những nhiệm vụ khó hơn", bà Winnett nói và khuyên phụ huynh nên tập trung vào các giá trị khác như sự nỗ lực của trẻ.

Ví dụ, nếu con bày tỏ khó chịu về điểm số, cha mẹ có thể điều chỉnh lại những suy nghĩ này bằng cách nói với trẻ điều quan trọng là chúng phải cố gắng chăm chỉ hơn, thay vì đạt điểm tuyệt đối trong mọi kỳ thi.

Trao đổi với giáo viên

Cha mẹ nên trao đổi với giáo viên để biết liệu họ có nhận thấy điều gì bất thường ở học sinh trong giờ kiểm tra hay không, ví dụ đi vệ sinh thường xuyên, run tay...

Bà Zeltser gợi ý giáo viên có thể cung cấp các bài tập, bài kiểm tra mẫu để học sinh luyện tập ở nhà hoặc trong môi trường thoải mái hơn phòng thi.

Nếu đã thử các cách trên mà không thấy có tác dụng, thậm chí sự lo lắng của trẻ tồi tệ hơn sau mỗi kỳ thi, bà Sheehan khuyên phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ.

"Không phải tất cả trường hợp đều cần sự can thiệp của chuyên gia, tuy nhiên, cha mẹ nên nắm được cường độ, tần suất lo lắng và cách nó phát triển theo thời gian. Các chuyên gia có thể xác định nguyên nhân của sự lo lắng và đánh giá nó có ảnh hưởng lớn hơn không", bà Sheehan khuyên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vượt qua cảm giác khó chịu trong thi cử