Hoạt động giải cứu trên được tiến hành chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin mời 35 chỉ huy của Wagner tới Điện Kremlin dự cuộc họp ngày 29-6, sau cuộc nổi dậy của lực lượng này.
Người phát ngôn Điện Kremlin trước đó cho biết cuộc họp được tổ chức để thảo luận về tương lai của Wagner. Tuy nhiên, không rõ liệu cuộc họp ở Điện Kremlin có thảo luận về hoạt động của công ty quân sự tư nhân Wagner tại châu Phi hay không.
Những người thợ mỏ Trung Quốc được giải cứu. Ảnh: Wagner
Tờ SCMP cố gắng xác nhận hoạt động giải cứu với đại sứ quán Trung Quốc ở Bangui, nhưng không nhận được phản hồi vào tối 12-7.
Ba nguồn tin quân sự Trung Quốc nói với SCMP rằng "việc chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tìm kiếm sự giúp đỡ từ lực lượng an ninh tư nhân địa phương để bảo vệ công dân Trung Quốc và tài sản ở nước ngoài là điều rất phổ biến".
Thiên Bộ Châu (cựu lính đặc nhiệm Trung Quốc, có thâm niên 17 năm đảm bảo an ninh cho các công ty của nước này tại các vùng chiến sự ở Trung Đông và châu Phi) cho biết: "Đối với Trung Quốc, đây chỉ là một trường hợp không thường xuyên. Công ty Wagner không phải là lựa chọn an ninh duy nhất ở Trung Phi".
"Thế nhưng, hoạt động lần này có thể rất quan trọng đối với Wagner, khi lực lượng này đang nỗ lực mở rộng hoạt động ở châu Phi giàu tài nguyên" - cựu lính đặc nhiệm Trung Quốc nói và cho biết ở châu lục này cũng có lính đánh thuê của các công ty Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ấn Độ.
Tương tự, ông Châu Thần Minh, nhà nghiên cứu tại Bắc Kinh, cho rằng việc tiết lộ có thể là một thông điệp có chủ ý từ công ty Wagner rằng họ đang tập trung lại vào hoạt động ở châu Phi.