Ngoài ra, tỉ lệ nhập viện và tử vong có chiều hướng giảm, không còn gây căng thẳng cho các hệ thống y tế như trước. Đặc biệt là sự cải thiện tình trạng bệnh của ca lâm sàng, cải thiện việc quản lý ca bệnh lâm sàng… Những yếu tố này đã góp phần làm giảm đáng kể tỉ lệ nhập viện và tử vong do COVID-19. Đây là cơ sở để tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
Tuy vậy, tôi cho rằng dù WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nhưng không có nghĩa chúng ta sẽ bỏ rơi, không hành động gì. Thực tế ngày 3-5 vừa qua, WHO xây dựng và đã công bố chiến lược mới trong phòng chống COVID-19 giai đoạn 2023-2025, trong đó tìm cách giúp các quốc gia chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang chiến lược phòng ngừa và kiểm soát dài hạn.
- Trong bối cảnh số ca mắc mới, bệnh nhân nặng và tử vong đang tăng trở lại, vậy Việt Nam cần thay đổi như thế nào trong việc ứng phó với COVID-19, thưa ông?
+ Dựa trên công bố của WHO, Việt Nam có cơ sở quan trọng trong việc xem xét đánh giá tình hình dịch ở nước ta. Thực tế dịch bệnh trên thế giới liên quan đến Việt Nam và ngược lại. Với COVID-19 cũng vậy. Khi trên thế giới không còn tình trạng khẩn cấp, đáng quan ngại thì chắc Việt Nam cũng sẽ như thế.
Hiện, số ca mắc mới COVID-19 ở Việt Nam đang tăng trở lại, kéo theo số trường hợp nhập viện và tử vong tăng. Tuy vậy, tình hình dịch vẫn được kiểm soát, đa số ca mắc mới có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, không gây quá tải hệ thống y tế. Vấn đề quan trọng là chúng ta không nên chủ quan, mất cảnh giác.
Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và lây lan mạnh, nhiều biện pháp phòng chống dịch đã được triển khai
Với các trường hợp nặng và tử vong phần lớn vẫn là người có bệnh nền, người già, người chưa tiêm chủng, người suy giảm miễn dịch... Những trường hợp này bệnh có thể diễn biến nặng nếu nhiễm các virus gây bệnh truyền nhiễm khác như cúm chứ không riêng gì với COVID-19. Khi những đối tượng trên nhiễm các bệnh do virus, miễn dịch giảm nên dễ mắc thêm bệnh khác dẫn đến bệnh trở nặng và tử vong.
- Việt Nam có nên xem xét loại COVID-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A và coi là bệnh giống như cúm mùa không, thưa ông?
+ Chúng ta đã và đang thực hiện tốt việc thích ứng an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Thời gian qua một số ý kiến so sánh COVID-19 với cúm mùa và đưa ra câu hỏi nên xếp bệnh vào nhóm B hay vẫn duy trì ở nhóm A. Về vấn đề này hội đồng chuyên môn sẽ họp, đánh giá, xem xét, nhưng tôi cho rằng dù COVID-19 thuộc nhóm A hay nhóm B thì việc đánh giá nguy cơ và đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp là vô cùng quan trọng.
Điều này giúp kiểm soát dịch, không bất ngờ trước diễn biến dịch và sẵn sàng đáp ứng phù hợp theo mức độ, dựa trên đánh giá nguy cơ của từng giai đoạn, từng thời kỳ để kiểm soát dịch một cách bền vững, không tốn kém, lãng phí nhưng phải đủ nguồn lực để ứng phó với dịch bệnh.
Theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, nhóm A là các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh bao gồm các bệnh bại liệt, cúm gia cầm A/H5N1, bệnh đậu mùa, bệnh COVID-19, bệnh sốt vàng… Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong gồm bệnh do virus Adeno, bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bạch hầu, cúm, bệnh dại, ho gà, lao phổi, sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, bệnh tay chân miệng, thủy đậu… Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh (giang mai, lậu, bệnh sốt mò, sán lá gan, sốt xuất huyết do virus Hanta…). |