HLV Sanchez không thể giúp Qatar có màn trình diễn tốt tại World Cup 2022. Ảnh: Reuters. |
Qatar trở thành nước chủ nhà thứ hai bị loại khỏi World Cup ở vòng bảng sau Nam Phi của năm 2010. Nhưng đại diện châu Phi cũng không thua trong cả 3 trận vòng bảng. Họ hòa Mexico trong lượt đầu và thậm chí thắng Pháp ở trận cuối cùng vòng bảng. Về phần Qatar, họ chơi 3 trận, thua cả 3, chỉ ghi được 1 bàn và để thủng lưới 7 lần.
Bóng đá Qatar chuẩn bị rất kỹ cho World Cup 2022. Trước trận khai mạc, Sanchez nói ông và các cầu thủ đã hy sinh rất nhiều thứ: "Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều. Chúng tôi đã ở nước ngoài, xa gia đình trong một thời gian dài. Bây giờ, chúng tôi muốn thể hiện mình là ai".
Kể từ khi giành quyền đăng cai World Cup vào năm 2010, tuyển Qatar có 12 năm để chuẩn bị cho lần đầu tiên tham dự giải đấu. Họ không tiếc tiền đầu tư cho ĐTQG, đưa đội tham dự Copa America hay Gold Cup, có nhiều chuyến du đấu tại châu Âu.
Nền bóng đá của họ được tạo các điều kiện tốt nhất về công nghệ, số liệu thống kê hay cơ sở hạ tầng. Aspire và Apetar, khu phức hợp đào tạo trẻ và sức khỏe thể thao tại Qatar, được mô tả là "tốt nhất thế giới".
Tuy nhiên, bóng đá Qatar đã tiến xa tới đâu trong một thập niên qua ngoài bộ mặt của ĐTQG? Những cầu thủ nội của họ vẫn chỉ chơi trong nước, các ngôi sao sáng nhất nền bóng đá thất bại (hoặc không dám) ra nước ngoài thi đấu. Sau trải nghiệm đáng quên ở các giải Áo hay Tây Ban Nha, Almoez Ali lúc này hài lòng với vị thế đang có tại Al-Duhail. Một ngôi sao đáng chú ý khác Akram Afif đã trở về quê nhà thi đấu từ năm 2020 sau chuỗi ngày dự bị tại Bỉ và Tây Ban Nha.
Tất nhiên, người ta cũng có thể nói rằng Saudi Arabia đã gây địa chấn trước Argentina nhờ phần lớn các cầu thủ chơi trong nước. Giống Qatar, bóng đá Saudi Arabia cũng thất bại trong việc đưa cầu thủ ra nước ngoài thi đấu nhiều năm qua.
Song, nội lực và bề dày truyền thống của Saudi Arabia vẫn tốt hơn Qatar. Một thập niên qua, không có CLB Qatar nào lọt vào chung kết AFC Champions League. Bất chấp được đầu tư nguồn lực lớn và được xem như CLB giàu nhất châu lục, đội đương kim vô địch Qatar, Al-Sadd, liên tục gây thất vọng ở AFC Champions League thời gian qua. Lần gần nhất họ lên ngôi ở châu Á là vào năm 2011.
Trong khi đó, Al-Hilal, đội bóng có 9/11 cầu thủ đá chính cho Saudi Arabia ở World Cup 2022, 4 lần vào chung kết cúp châu Á trong một thập niên qua. Al-Hilal cũng đang là đội giàu thành tích nhất ở AFC Champions League khi 4 lần bước lên ngôi cao nhất. Ngoài Al-Hilal, những CLB khác của Saudi Arabia như Al-Ahli hay Al-Ittihad cũng tiến sâu ở giải châu Á.
Bóng đá Qatar sẽ còn nhiều việc phải làm nếu muốn tái hiện thành tích dự World Cup. Muốn thế, Qatar cần duy trì vị thế hàng đầu châu Á và phải bảo vệ chức vô địch Asian Cup vào năm sau.