Xây dựng giáo án thế nào để đáp ứng yêu cầu mới?

Hải Bình | 21/09/2022, 06:22
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cô Nguyễn Ngọc Thuý, Trường THCS Phan Chu Trinh (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chia sẻ kinh nghiệm xây dựng giáo án đáp ứng yêu cầu mới.

Cùng với xác định mục tiêu, cô Nguyễn Ngọc Thúy cũng lưu ý: Đã là kế hoạch bài dạy thì giáo án phải xây dựng được những nội dung hoạt động trong giờ dạy. Nội dung hoạt động phải tập trung để hướng vào mục tiêu.

Ví dụ, mục tiêu về năng lực của bài dạy yêu cầu học sinh “phân tích, đánh giá được nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn lão Hạc”, thì các hoạt động phải tập trung vào hai nhiệm vụ:

Thứ nhất là xem xét nhân vật lão Hạc trên các khía cạnh như gia cảnh, tính cách, phẩm chất…).

Thứ hai là đánh giá được ý nghĩa, vai trò của hình tượng nhân vật; đánh giá được nghệ thuật xây dựng nhân vật lão Hạc (thành công trên phương diện nào). Nội dung hoạt động phải rõ việc, rõ sản phẩm yêu cầu và tập trung vào hoạt động của học sinh.

Đã là kế hoạch bài dạy thì phải rõ sản phẩm yêu cầu. Cô Nguyễn Ngọc Thúy lưu ý thêm và cho rằng: Mỗi công việc (nhiệm vụ học tập) giao cho học sinh phải có sản phẩm yêu cầu tương ứng. Kế hoạch bài dạy phải mô tả được sản phẩm một cách khách quan, rõ ràng. Với những câu hỏi mở, cần mô tả sản phẩm hoạt động sao cho có thể ứng với nhiều cách trả lời của học sinh.

Cùng với đó là cách thức tổ chức. Kế hoạch bài dạy/giáo án phải rõ cách thức tổ chức. Để làm được, người dạy cần quan niệm giáo viên là người tổ chức cho học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập chứ không phải là “nghệ sĩ biểu diễn”. Giờ dạy không được phép là giờ diễn của giáo viên mà phải là giờ để học sinh được tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm.

Kế hoạch bài dạy phải có nội dung hoạt động (học sinh phải làm gì), nhưng nếu không rõ cách thức tổ chức hoạt động thì rất khó đạt được mục tiêu. Muốn rõ cách thức tổ chức thì cần chú ý hai điểm: Có mấy khâu/bước trong thực hiện nhiệm vụ; phân rõ vai của thầy và trò (làm gì) trong từng nhiệm vụ.

“Tóm lại, muốn soạn một giáo án/kế hoạch bài dạy có tính khả thi, cần nhớ một kế hoạch bài dạy phải ngắn gọn, có sự nhất quán giữa mục tiêu, nội dung hoạt động, sản phẩm yêu cầu và hình thức tổ chức để chiếm lĩnh mục tiêu.

Nhưng trên hết, người dạy phải biết đặt mình vào học sinh để lựa chọn những nội dung hoạt động phù hợp và thú vị.

Và điều cuối cùng, với kinh nghiệm cá nhân của tôi, để xây dựng được một kế hoạch bài dạy khả thi và tổ chức tốt một giờ dạy, giáo viên phải có năng lực tưởng tượng.

Phải tưởng tượng ra diễn biến của giờ học và các tình huống có thể xảy ra ngoài ý muốn trong giờ dạy để có phương án tổ chức hợp lý. Sẽ là sai lầm nếu giáo viên coi thường năng lực tưởng tượng khi xây dựng kế hoạch bài dạy.” - cô Nguyễn Ngọc Thúy chia sẻ.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/xay-dung-giao-an-the-nao-de-dap-ung-yeu-cau-moi-post608722.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/xay-dung-giao-an-the-nao-de-dap-ung-yeu-cau-moi-post608722.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng giáo án thế nào để đáp ứng yêu cầu mới?