Tuy nhiên, để hiện thực hóa Đề án quy hoạch và quản lý hành lang sông Sài Gòn, kiến trúc sư Khương Văn Mười - nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, cho rằng phải phân rõ trách nhiệm, trong đó Nhà nước sẽ làm tới đâu, còn lại kêu gọi tư nhân tham gia với lợi ích phải rõ ràng. Dẫu vậy, dù ai đầu tư cũng phải tuân thủ nghiêm quy hoạch để giữ được cảnh quan hai bên bờ sông nhằm phục vụ cho người dân và sự phát triển lâu dài của thành phố.
Còn theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, TPHCM có thể bắt đầu từ việc xây dựng dự án chỉnh trang và phát triển không gian sông nước liên hoàn cho khu vực nội thành, nhất là khu vực hai bên sông Sài Gòn từ bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đến bán đảo Tân Thuận (quận 7). Cụ thể, xây dựng và phát triển khu vực Thanh Đa - Bình Quới (quận Bình Thạnh) với bản sắc đô thị sinh thái, du lịch giáo dục, làng nghệ thuật ven sông; chỉnh trang và phát triển khu vực Trường Thọ và Thảo Điền (TP Thủ Đức) với bản sắc khu đô thị hiện đại, sáng tạo, giao lưu quốc tế, đóng vai trò trung tâm ven sông của TP Thủ Đức.
Ông Sơn cũng cho rằng, không chỉ TPHCM mà tỉnh Đồng Nai cũng cần có quy hoạch những lô đất lớn khuyến khích xây nhà cao tầng tuân thủ theo quy hoạch xây dựng bằng cách Nhà nước có thể mua lại những lô đất nhỏ, nhà nhỏ siêu mỏng để có những công trình điểm nhấn với mật độ xây dựng tối đa khoảng 50%-60%, tạo thêm không gian xanh, không gian mở xen lẫn công viên.