Tuy nhiên, thực trạng này cũng cho thấy, chưa có văn bản đủ tầm thống nhất nên vẫn còn chồng chéo. Chính vì thế chúng ta phải xây dựng Luật Nhà giáo. Bộ GD&ĐT đã tích cực chuẩn bị cho dự án luật này. Đơn vị chủ trì tham mưu là Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục.
Thứ trưởng nhấn mạnh, quan điểm xây dựng Luật Nhà giáo phải bám sát và thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Nhà nước về nhà giáo; đồng thời phải đảm bảo tính kế thừa đối với những văn bản hiện hành và có tầm nhìn.
Xây dựng Luật Nhà giáo phải kiến tạo và tạo được môi trường phát triển đội ngũ, chứ không phải những quy định cứng nhắc, ràng buộc nhà giáo phải thế này, nhà giáo phải thế kia. Xây dựng Luật Nhà giáo phải tháo gỡ được những nút thắt của nhà giáo, chứ không phải xây dựng cho có luật.
“Xây dựng Luật Nhà giáo, chúng ta phải tiên lượng, dự báo được nguồn lực để thực hiện chính sách. Khi luật được ban hành, thì nguồn lực của Nhà nước có đảm bảo thực hiện chính sách đó không, tác động trước mắt và cả lâu dài sẽ như thế nào” – Thứ trưởng đặt vấn đề.
Theo Thứ trưởng, vị thế của nhà giáo ngày càng được khẳng định trong xã hội. Công việc của nhà giáo có vai trò, ý nghĩa to lớn nên càng phải chăm lo. Chúng ta cần tổng kết, rà soát các văn bản, quy định của Đảng, Nhà nước về nhà giáo để tạo sự thống nhất, không chồng chéo, trùng lặp.
Cái gì ưu điểm thì phát huy, cái gì còn khoảng trống, chưa rõ hoặc chưa đảm bảo nguyên tắc thì phải rà soát kỹ. Phải khắc phục được những bất cập và làm rõ bất cập đó là gì? Chẳng hạn, bất cập từ chế độ chính sách tiền lương, quản lý và sử dụng nhà giáo, chế độ về điều động luân chuyển nhà giáo...
Dường như, một số vấn đề trong quản lý sử dụng nhà giáo đang ngược với nguyên lý của giáo dục. Chúng ta phải tổ chức các hội nghị để lấy ý kiến chuyên gia, nhà giáo, học sinh, sinh viên...
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, xây dựng Luật Nhà giáo là công việc trọng tâm của toàn ngành. Khi chúng ta huy động trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của hàng triệu giáo viên, cán bộ quản lý thì chất lượng của dự án luật này sẽ tốt.