PGS.TS Bùi Quang Hùng, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế TPHCM đóng góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng |
Về chính sách tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là điểm mới dự kiến được đưa vào luật.
Theo đó, giấy chứng nhận này là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo; thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.
Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo được cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam.
Liên quan đến chế độ làm việc, theo chính sách được Bộ GD&ĐT đề xuất, hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo được thể hiện thành chế độ làm việc đối với nhà giáo từng cấp học, trình độ đào tạo và được quy đổi đảm bảo thời giờ làm việc 40 giờ/tuần.
Trong đó, thời gian nghỉ trong năm của nhà giáo (kể cả nhà giáo giữ chức vụ quản lý) bao gồm: nghỉ hè 8 tuần thay cho nghỉ hàng năm theo quy định của bộ luật Lao động. Việc bố trí 8 tuần nghỉ hè hàng năm do cơ sở giáo dục quy định trong kế hoạch giáo dục hàng năm phù hợp điều kiện cơ sở giáo dục.
Góp ý nội dung dự kiến quy định tại Luật Nhà giáo, lãnh đạo các trường đại học tập trung vào nội dung định danh nhà giáo, chuẩn nghề nghiệp, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo, chế độ làm việc…
ThS Nguyễn Hải Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen đề xuất Luật Nhà giáo nên làm rõ khái niệm nhà giáo áp dụng với cán bộ quản lý ở các trường đại học.
Theo dự kiến, chức danh nhà giáo với giảng viên ở khối công lập gồm: giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp. Ông Ninh đề nghị nên đưa quy định này áp dụng cho cả khối đại học tư thục, bởi hoạt động trao đổi giảng dạy giữa 2 khối trường này hiện diễn ra khá mạnh.
ThS Nguyễn Hải Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen góp ý xây dựng Luật Nhà giáo. Ảnh: Mạnh Tùng |
TS Diệp Phương Chi, Giảng viên chính - Viện Sư phạm Kỹ thuật (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) đóng góp ý kiến về bồi dưỡng nhà giáo.
Theo TS Chi, do công tác bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng mới cho nhà giáo là giáo viên và nhà giáo là giảng viên khác nhau về nội dung, phương thức và hình thức bồi dưỡng nên luật cần có những quy định chung và riêng cho hai nhóm nhà giáo.
Với nhóm nhà giáo là giảng viên, Luật Nhà giáo nên có quy định rõ về các lĩnh vực bồi dưỡng gắn với đặc điểm 3 nhiệm vụ cơ bản của giảng viên là giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
PGS. TS Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Ngoại thương phát biểu. Ảnh: Mạnh Tùng |
PGS. TS Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Ngoại thương góp ý về quy định đào tạo nhà giáo; hợp tác quốc tế; chế độ làm việc.
Trong đó, với trường tự chủ, việc quy định học phí đào tạo giảng viên do cơ sở giáo dục chi trả là không phù hợp, khó triển khai thực hiện. PGS Thủy cho rằng, nên quy định việc này là hỗ trợ sẽ hợp lý. Tại Trường Đại học Ngoại thương, giảng viên đào tạo ở nước ngoài được hỗ trợ mức tối đa bằng chi phí đào tạo thạc sĩ.
Hội thảo nhận được 12 ý kiến đóng góp từ lãnh đạo các trường đại học. Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận và đánh giá, hầu hết các ý kiến đóng góp xây dựng Luật Nhà giáo đều tâm huyết, chất lượng.
Thứ trưởng đề nghị Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện các quy định dự thảo Luật Nhà giáo. Khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, dự thảo sẽ được đăng tải, lấy ý kiến rộng rãi.