Bám sát kế hoạch hướng dẫn của Sở GD&ĐT, các trường học trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường, tùy vào tình hình thực tế của địa phương để có những giải pháp cụ thể, tạo được hiệu ứng.
Đến với trường THPT Ngô Quyền (TP. Thái Nguyên), các em học sinh nơi đây luôn lễ phép, chào hỏi các thầy cô giáo và người lạ mỗi khi gặp. Theo thầy Phan Vũ Hào, Hiệu trưởng trường THPT Ngô Quyền cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa học đường, nhà trường đã thống nhất xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong các mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh, giáo viên với nhau; sự chuẩn mực về hành vi, thái độ của giáo viên là tấm gương để học sinh noi theo, giúp quan hệ giữa thầy trò được gần gũi, thân thiện.
Diễn đàn "Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường" năm học 2022-2023 tại trường THPT Ngô Quyền. |
Bên cạnh đó, nhà trường cũng quan tâm đến việc tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh toàn trường trong các buổi chào cờ và sinh hoạt ngoại khóa; hàng năm tổ chức các chuyên đề, diễn đàn về xây dựng tình bạn đẹp nói không với bạo lực học đường,... Từ những giải pháp cụ thể đã giúp học sinh nhà trường luôn ngoan ngoãn, lễ phép, kết quả giáo dục toàn diện của nhà trường ngày một tiến bộ, là địa chỉ tin cậy để phụ huynh gửi gắm con em mình”.
Còn tại trường Trường THPT Gang thép (TP.Thái Nguyên), nhà trường luôn nhận thức việc xây dựng văn hóa trường học là nền tảng cho việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tuân thủ pháp luật, do đó nhà trường đã triển khai xây dựng và áp dụng các thông điệp văn hóa, đem lại hiệu quả tích cực như “5 xin” trong giao tiếp, “5 luôn” khi tiếp xúc, “5 không” khi ở trường; “3 nhớ” và “1 đừng quên” trước khi ra về.
Theo thầy Ma Hải Trung, Bí thư Đoàn trường THPT Ngô Quyền chia sẻ: “Một yếu tố quan trọng để góp phần hình thành nên môi trường học đường có văn hóa, đó là học sinh được trải nghiệm, tạo điều kiện tham gia các câu lạc bộ trong trường học, các câu lạc bộ đều thu hút nhiều học sinh tham gia, đây sân chơi bổ ích, nơi các em học sinh được vui chơi giải trí sau giờ học vừa sảng khoái về tinh thần và vừa rèn luyện thể chất, góp phần xây dựng trường học hạnh phúc từ đó giúp em tránh xa các tệ nạn xã hội”.
Xây dựng văn hóa học đường là nội dung quan trọng để đổi mới giáo dục toàn diện trong bối cảnh hiện nay, ở đó giáo viên và học sinh là trung tâm. Chính vì vậy ngành giáo dục và các nhà trường cần chú trọng đến xây dựng môi trường học đường có văn hóa, để đào tạo được các thế hệ học sinh có đạo đức, lối sống đẹp, tuân thủ pháp luật và tham gia các hoạt động ý nghĩa vì cộng đồng.