Đối với giáo viên, giọng nói truyền cảm không chỉ giúp bài giảng sống động mà còn thể hiện phong cách, tạo dấu ấn cá nhân, nâng tầm thương hiệu.
Xây dựng thương hiệu từ giọng nói
Từng là nhà báo, phóng viên truyền hình, dẫn chương trình… và giờ đây công việc chính của cô Nguyễn Thị Hải Huế là giáo viên đào tạo về giọng nói và kỹ năng tại Trung tâm Đào tạo MC Vietskill. Trải qua nhiều công việc liên quan đến giọng nói , cô Huế đã có những trải nghiệm, đúc rút về giọng nói trong công việc, đặc biệt đối với nghề giáo.
Theo cô Huế, giọng nói trước hết là chìa khóa khẳng định giá trị của giáo viên. Bởi trong môi trường giáo dục hiện đại, xây dựng thương hiệu cá nhân là yếu tố quan trọng giúp giáo viên khẳng định giá trị của bản thân, tạo dựng sự tín nhiệm từ học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp. Thương hiệu cá nhân không chỉ đến từ chuyên môn vững vàng còn từ phong cách sư phạm, cách giao tiếp, đặc biệt giọng nói. Một giọng nói truyền cảm, rõ ràng, có chiều sâu giúp giáo viên giảng dạy hiệu quả, tạo dấu ấn riêng và trở nên khác biệt, đáng nhớ.
Giọng nói cũng là dấu ấn thương hiệu của người giáo viên bởi mỗi người có phong cách giảng dạy riêng, giọng nói chính là yếu tố tạo nên nét đặc trưng đó. Một giọng nói có hồn, biết cách nhấn nhá, truyền cảm xúc sẽ tạo nên ấn tượng mạnh mẽ, giúp học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn cảm nhận được sự tận tâm, nhiệt huyết của người thầy. Giọng nói không chỉ truyền tải thông tin, mà còn truyền động lực, cảm hứng và khơi gợi niềm đam mê học tập trong mỗi học trò.
Dưới đúc rút của cô Huế, giọng nói của giáo viên vô cùng quan trọng bởi họ chính là những người giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Trong xã hội hiện đại, đặc biệt sự ảnh hưởng của lối sống công nghiệp, văn hóa ngoại lai, nhiều người – đặc biệt giới trẻ đang dần đánh mất vẻ đẹp của tiếng Việt. Họ nói nhanh, nói vội, thiếu cảm xúc, thậm chí sử dụng quá nhiều từ vay mượn, làm mất đi sự tinh tế của ngôn ngữ mẹ đẻ. Giáo viên không chỉ là người truyền dạy tri thức còn là tấm gương trong cách nói, cách diễn đạt, góp phần gìn giữ và lan tỏa sự trong sáng của tiếng Việt.
Cô Huế khẳng định, hiểu và làm chủ giọng nói chính là bí quyết nâng cao hiệu quả giảng dạy. Biết cách điều chỉnh giọng nói giúp giáo viên linh hoạt hơn trong từng tình huống sư phạm. Khi biết cách sử dụng giọng nói phù hợp với hoàn cảnh, giáo viên không chỉ làm chủ bài giảng mà còn tạo ra không gian học tập đầy cảm hứng, kích thích tư duy sáng tạo của học sinh…
Yếu tố làm chủ giọng nói của giáo viên
Theo cô Huế, giọng nói hay không phải từ năng khiếu bẩm sinh, mà là kết quả của sự rèn luyện. Khi hiểu được các yếu tố cấu thành một giọng nói ấn tượng, giáo viên cần chủ động thực hành và nâng cao kỹ năng để giọng nói trở thành công cụ mạnh mẽ giúp họ thành công trên con đường sự nghiệp.
Có 5 yếu tố quan trọng để giáo viên làm chủ giọng nói: Âm lượng – Giữ sự cân bằng trong giọng nói; Tốc độ – Nhịp điệu của sự truyền tải; Ngữ điệu – Linh hồn của lời nói; Khoảng dừng – Nghệ thuật của sự lắng đọng; Âm sắc – Dấu ấn cá nhân trong giọng nói.
Từ kinh nghiệm cá nhân, cô Huế chỉ ra cách để giáo viên khẳng định thương hiệu cá nhân thông qua giọng nói.
Trước hết, ứng dụng ngay trong giảng dạy. Bài giảng chính là "sân khấu" đầu tiên để giáo viên thể hiện sức mạnh của giọng nói. Dù đó là bài giảng về giọng nói hay môn học chuyên môn khác, hãy tận dụng giọng nói để truyền tải kiến thức một cách cuốn hút, tạo cảm xúc và sự hứng thú cho học sinh. Chính học sinh là những "giám khảo" công tâm nhất, phản hồi của các em sẽ giúp giáo viên nhận biết điểm mạnh, điểm cần cải thiện và dần hoàn thiện giọng nói của mình.
Cùng đó, mỗi giáo viên phải không ngừng học hỏi và nâng cao chuyên môn. Giọng nói hay không chỉ là yếu tố bẩm sinh mà còn là kết quả của sự rèn luyện. Hãy học hỏi từ nhiều nguồn đáng tin cậy, tiếp thu những tinh hoa từ các chuyên gia, nhưng quan trọng hơn là biến giọng nói mang phong cách riêng của mình. Nếu có đam mê, giáo viên có thể xây dựng một chương trình đào tạo về giọng nói, góp phần chia sẻ kiến thức và nâng cao uy tín của mình trong cộng đồng giáo dục.
Giáo viên cũng cần biết tận dụng các nền tảng truyền thông cá nhân bởi thế giới số mở ra vô vàn cơ hội để lan tỏa giá trị cá nhân. Hãy sử dụng giọng nói của mình để truyền cảm hứng thông qua các kênh truyền thông như Podcast, TikTok, YouTube… Có thể bắt đầu bằng việc chia sẻ kiến thức luyện giọng, đọc truyện, đọc thơ hay hướng dẫn cách sử dụng giọng nói hiệu quả trong giảng dạy. Một nội dung chất lượng, kết hợp với giọng nói truyền cảm sẽ giúp giáo viên khẳng định thương hiệu cá nhân và mở rộng sức ảnh hưởng.
Và 1 yếu tố quan trọng không kém, giáo viên hãy tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Bên cạnh việc phát triển bản thân, hãy đóng góp cho cộng đồng bằng cách tham gia các hoạt động liên quan đến giọng nói và tiếng Việt. Học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng để gìn giữ vẻ đẹp của tiếng Việt không chỉ giúp xây dựng hình ảnh cá nhân mà còn tạo ra giá trị ý nghĩa cho xã hội. Đồng thời, hợp tác với các tổ chức, đơn vị lớn trong lĩnh vực giáo dục và truyền thông cũng là cách để giáo viên mở rộng mạng lưới, quảng bá phương pháp luyện giọng một cách chuyên nghiệp hơn.
Giọng nói không chỉ là công cụ giảng dạy, mà còn là dấu ấn cá nhân giúp giáo viên tạo sự khác biệt. Khi biết cách khai thác và phát huy sức mạnh của giọng nói, giáo viên không chỉ nâng cao hiệu quả truyền đạt mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển trong sự nghiệp. Hãy biến giọng nói của mình thành thương hiệu và để nó trở thành cây cầu kết nối tri thức, cảm xúc và những giá trị ý nghĩa trong giáo dục. Mỗi lời giảng, mỗi câu nói ngoài phản ánh chuyên môn còn thể hiện cá tính, giá trị và phong cách riêng biệt. Khi giọng nói được đầu tư, mài giũa, sẽ tạo nên ấn tượng mạnh mẽ, giúp giáo viên chiếm lĩnh trái tim học trò và cộng đồng.