Xây dựng trường học hạnh phúc cho học sinh dân tộc

Đức Trí | 31/10/2022, 10:44
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tại Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn, để giúp học sinh nghèo có cơ hội học tập nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa để hỗ trợ thiết thực.

Nhiều hoạt động thiết thực

Cô Vương Xuân Thuận – Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) cho biết: Học sinh của trường 100% là con em đồng bào các dân tộc, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Do đó ngay từ ngày đầu nhập học Ban giám hiệu đã giao giáo viên chủ nhiệm lấy phiếu khảo sát hoàn cảnh mỗi em để nắm bắt tình hình cụ thể và có lộ trình hỗ trợ phù hợp nhất.

Đối với học sinh gia đình nghèo, cận nghèo, mồ côi cha mẹ… trường thống nhất và phát động xây dựng mô hình “Dân vận khéo” để giúp đỡ. Bên cạnh đó đẩy mạnh vận động các mạnh thường quân hỗ trợ bằng kinh phí, hiện vật trong dịp khai giảng năm học mới, sơ kết, tổng kết năm học.

Ban giám hiệu và giáo viên cũng nỗ lực kêu gọi các doanh nghiệp ủng hộ, tài trợ học sinh nghèo thông qua các buổi giao lưu, họp mặt, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo... Thầy cô xem đây như nhiệm vụ và trách nhiệm để “nâng bước” học sinh tới trường.

Không chỉ làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục vì học sinh nghèo, trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm còn tuyên truyền về những tấm gương học sinh vượt khó; sự vất vả thiệt thòi của nhiều học sinh đang phải trải qua. Thông qua đó giáo dục tư tưởng học sinh, tăng thêm sự đồng cảm, sự quan tâm chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ bạn bè người thân có hoàn cảnh khó khăn hơn mình…

Đặc biệt, hàng năm nhà trường kêu gọi, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường triển khai một số chương trình ý nghĩa như: “Hũ gạo tình thương”, “Tết ấm tình người”, “Xuân yêu thương”… Toàn bộ kinh phí ủng hộ sẽ được trao tặng cho học sinh hoàn cảnh khó khăn.

“Đến nay, nhờ làm tốt các hoạt động hỗ trợ nên chưa có học sinh nghèo nào của trường phải bỏ học. Trong thời gian tới dù khó khăn, trường vẫn nỗ lực đẩy mạnh công tác này. Xây dựng trường học hạnh phúc cũng đồng nghĩa học sinh được tiếp nhận những giá trị hạnh phúc và được tạo điều kiện tối đa trong quá trình học tập, sinh hoạt tại môi trường nội trú…”, cô Thuận trao đổi.

Kiến tạo giá trị hạnh phúc

Theo cô Vương Xuân Thuận, Hiệu trưởng: Mục tiêu của nhà trường khi xây dựng trường học hạnh phúc không chỉ hướng tới giúp cho giáo viên, học sinh cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Hơn thế, giá trị hạnh phúc phải được lan tỏa tới phụ huynh và toàn xã hội một cách thực chất nhất.

Do đó với học sinh, trường chú trọng việc chăm sóc, bảo vệ, không để xảy ra bạo lực học đường, giúp học sinh và thầy cô có cơ hội đến gần nhau hơn; học sinh được thầy cô tôn trọng sự khác biệt, thấu hiểu, chia sẻ khó khăn và hỗ trợ mọi phương diện. Đặc biệt, vấn đề giúp học trò không bị áp lực về điểm số, thành tích học tập, các phong trào thi đua mang tính hình thức… cũng được nhà trường lưu ý triển khai.

Xây dựng trường học hạnh phúc cho học sinh dân tộc ảnh 1

Những chuyến xe đưa đón học sinh đi thi miễn phí của Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn.

Xây dựng trường học hạnh phúc ở Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn và với đối tượng học trò người dân tộc cũng đồng nghĩa thúc đẩy sự toàn diện về trí tuệ, phẩm chất đạo đức, nghị lực, thể chất... thông qua tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, giáo dục kĩ năng sống tăng cường sức khỏe.

Đặc biệt, trường còn quan tâm tu sửa cơ sở vật chất, phòng ở, phòng học, bếp ăn của học sinh đảm bảo theo qui định. Trang bị các dụng cụ tập luyện thể thao, tạo dựng môi trường xanh sạch đẹp, thân thiện, cởi mở. Đảm bảo vệ sinh thực phẩm, dinh dưỡng cho học sinh qua quy trình chế biến, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Về phía đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên… ban giám hiệu tăng cường tổ chức các hoạt động thi đua hướng tới ngày 20/11; hội thi tìm hiểu về Bác, nêu gương và nhân rộng điển hình tiên tiến; luôn quan tâm đến tâm tư, đời sống.

Để thúc đẩy giáo viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo dục học sinh tích cực... nhà trường luôn tuyên dương kịp thời những giáo viên, học sinh, tập thể lớp có thành tích tốt; Chú trọng phát huy vai trò của công tác tư vấn học đường, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phù hợp nhất.

Ở góc độ các tổ chuyên môn nhà trường thúc đẩy, tạo điều kiện để việc đổi mới, sáng tạo nội dung sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học diễn ra thường xuyên, liên tục và triển khai đều ở tất các khối lớp. Hơn thế, trong sinh hoạt chuyên môn nhà trường lắng nghe giáo viên chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong giảng dạy, giáo dục học sinh để cùng tháo gỡ. Không soi xét chuyên môn để kỷ luật, hay đưa vào thi đua cuối năm mà mang tính chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ…

Tất cả đều hướng tới mục tiêu xây dựng, kiến tạo ngôi trường hạnh phúc, tiếp thêm động lực cho học trò dân tộc; có hoàn cảnh khó khăn... học tập và phát triển.

"Xây dựng trường học hạnh phúc thông qua nâng cao nhận thức sứ mệnh người thầy, từ đó tăng cường khả năng tự học, tìm tòi, sáng tạo, bồi dưỡng năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức…

Mặt khác cần tạo cơ hội để mỗi học sinh, thầy cô được phát triển tối đa năng lực của bản thân, không ai bị bỏ lại phía sau hay bị lãng quên. Tất cả cùng thay đổi để phù hợp với tiến bộ chung và việc xây dựng trường học hạnh phúc...", cô Vương Xuân Thuận.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng trường học hạnh phúc cho học sinh dân tộc