GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Trường học thân thiện là môi trường được xây dựng ở nhiều quốc gia với các nội dung cơ bản như: là trường học mà ở đó học sinh được tạo điều kiện để sống khỏe mạnh, vui vẻ, tích cực học tập và tham gia các hoạt động khác nhau; Là nơi giáo viên nhiệt tình giảng dạy, yêu thương, tôn trọng, giúp đỡ; Là nơi được gia đình và cộng đồng tạo điều kiện phát huy hết tiềm năng của mình trong môi trường an toàn và thuận lợi; Và là nơi đảm bảo quyền được đi học của học sinh.
Trong tiếp cận của chúng tôi thì trường học thân thiện là một tiêu chí cốt lõi của trường học hạnh phúc nhưng chưa là tất cả hay chưa phải đủ, bởi trường học hạnh phúc có dựa trên các khía cạnh cảm nhận hạnh phúc của các lực lượng giáo dục trong nhà trường và không ngừng nâng cao khả năng cảm nhận hạnh phúc của thầy cô giáo, cán bộ quản lý, các bên có liên quan và nhân vật trọng điểm là học sinh.
Thân thiện đề cập chủ yếu đến thái độ, bầu không khí tâm lý nhưng hạnh phúc và cảm nhận hạnh phúc không chỉ đề cập đến các mối quan hệ trên bình diện chất lượng mà còn chú ý đến sự hài lòng về đời sống vật chất cả bình diện sức khỏe tâm thần…
Giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi TP Vũng Tàu đang chỉ dẫn học sinh rèn chữ viết. |
PV: Liệu rằng mọi nỗ lực của việc xây dựng trường học có thể tạo ra áp lực với chính giáo viên?
GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Đầu tiên, cần khẳng định trường học hạnh phúc vẫn phải dựa trên sự nhận thức về các tiêu chí hạnh phúc, cảm nhận về hạnh phúc của từng bên và các bên có liên quan nhưng cần hướng đến hạnh phúc đích thực của học sinh để chúng ta cùng hành động thì đó mới là sự lựa chọn cần thiết và có đích đến.
Thứ đến, khi nhận thức đúng về ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng trường học hạnh phúc, mọi cố gắng của từng cá nhân và nhóm đều có kết quả nhất định. Nói khác đi, khi sự vun đắp, dựng xây có hình ảnh, có khát khao và cả các giá trị tích cực ta mong muốn, hành trình sẽ trở nên có động lực và đủ sức làm người ta duy trì…
Điều rất quan trọng là khi thay đổi, cần quản lý sự thay đổi một cách hiệu quả. Người ta khó thay đổi bởi hay dọa chính mình, hay gieo vào lòng mình sợ hãi… Nếu xây dựng trường học hạnh phúc để chính mình cân bằng hơn, thoải mái hơn và thấy hiệu quả hơn sau thay đổi thì tại sao không?
PV: Khi xây dựng trường học hạnh phúc, vai trò chính của cán bộ quản lý là gì?
GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Có thể đề cập đến một số trách nhiệm cơ bản của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục như: Xây dựng, tổ chức nhà trường theo mô hình trường học hạnh phúc đã định hướng về: chiến lược, tầm nhìn, mục tiêu, quy hoạch phát triển, giá trị cốt lõi; Tổ chức xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường, kế hoạch giáo dục hằng năm của nhà trường gắn với các định hướng, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và những đòi hỏi của giáo dục 4.0.
Quản lý học sinh và các hoạt động của học sinh do nhà trường tổ chức theo mô hình trường học hạnh phúc. Quản lý tài chính và tài sản của nhà trường; Thực hiện các chế độ chính sách đối với giáo viên, nhân viên, học sinh để các thành viên trong nhà trường cảm nhận hạnh phúc.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn là người dành nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu về mô hình trường học hạnh phúc. |
Báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường với các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là những vấn đề mới từ mô hình trường học hạnh phúc; Tham gia sinh hoạt cùng tổ chuyên môn, tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý; Tổ chức quảng bá mô hình trường học hạnh phúc để lan tỏa trong nội bộ nhà trường và các bên liên quan.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!