Trường không chỉ là nơi để học
Đến với trường Tiểu học Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) chúng ta sẽ cảm nhận được sự yêu thương, an toàn và tôn trọng mà các em học sinh nơi đây được đón nhận. Trường học có đủ các phòng học, phòng chức năng, sân chơi, bãi tập rộng rãi. Ngoài ra, khuôn viên nhà trường còn có hệ thống cây bóng mát, bồn hoa, cây cảnh hài hòa và thường xuyên được học sinh, cán bộ, giáo viên và nhân viên chăm sóc. Trong các phòng học, phòng chức năng, các thiết bị dạy học sắp xếp ngay ngắn, gọn gàng và sạch sẽ.
Trò chuyện với lãnh đạo nhà trường, chúng tôi càng hiểu rõ hơn mục tiêu xây dựng một ngôi trường hạnh phúc của thầy cô và học sinh nơi đây.
Cô giáo Nguyễn Thị Thành – Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự: Tại trường Tiểu học Thụy Liễu, những bài giảng bắt đầu từ những câu chuyện gần gũi, những trò chơi học tập bổ ích gắn liền với sự sự hỗ trợ của thầy cô. Các em học sinh được tự do nêu những ý tưởng, những hiểu biết của mình trước lớp. Kết quả của những bài học mà các em lĩnh hội được kiểm nghiệm bằng sự đánh giá của thầy cô, của bạn bè và của chính bản thân mình. Điều này đã giúp học sinh cảm thấy hứng thú, chủ động, sáng tạo, tự tin trong việc học tập và giao tiếp. Nhờ vậy, các em sẽ có những giờ học vui vẻ, nhẹ nhàng và lý thú.
Ngoài các công việc học tập và vui chơi, các em còn được tham gia rất nhiều các hoạt động khác như: Sinh hoạt ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo… Các hoạt động đó bắt nguồn từ những ý tưởng của chính các em. Những ý tưởng ấy đã được sự giúp sức nhiệt tình của các thầy cô và các bậc cha mẹ. Các em thoải mái vui đùa cùng cha mẹ, thầy cô và bạn bè. Hạnh phúc biết bao những ánh mắt ấm áp, cái nắm tay thật chặt và những nụ cười giòn tan trên sân trường.
Đặc biệt, các em được hòa mình vào thiên nhiên, cây cỏ, được tìm hiểu về môi trường, những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường sống, đến nguồn năng lượng, tài nguyên, sức khỏe của con người… Từ đó, các em biết yêu quý cây xanh, tiết kiệm năng lượng, biết bảo vệ sức khỏe và môi trường sống của mình. Các em biết yêu và trân trọng những người lao động. Đó chính là những bài học mà học sinh dễ tiếp cận nhất, hiệu quả nhất khi đến trường. Trường học hạnh phúc là sợi dây gắn kết trách nhiệm giữa những bậc làm cha, làm mẹ với các thầy cô giáo trong nhà trường trong việc giáo dục và hoàn thiện nhân cách cho học sinh.
“Chúng tôi luôn quan niệm, trường học không chỉ là nơi để học tập mà còn là nơi chia sẻ và gửi gắm biết bao cảm xúc. Hàng ngày đến trường các em mang đến đây biết bao câu chuyện để kể với bạn bè và cô giáo. Các thây cô luôn sẵn sàng lắng nghe và tôn trọng cảm xúc của các em. Các em thực sự coi thầy cô như cha mẹ thứ hai của mình. Thầy cô chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn với các em và dạy bảo các em từ những điều nhỏ nhất. Các em biết nói lời thưa gửi, biết cảm ơn, xin lỗi, biết tha thứ bao dung,... Các thầy cô giáo công công tác tại ngôi trường này cũng luôn đoàn kết, yêu thương và học hỏi lẫn nhau. Nhà trường luôn là một tập thể đoàn kết hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, cô giáo Nguyễn Thị Thành khẳng định.
Không áp đặt, rập khuôn
Xuất phát từ thực tiễn của nền giáo dục và định hướng phát triển lâu dài của nhà trường, bên cạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn thì việc tạo ra môi trường học tập tích cực, thân thiện tiến đến mục tiêu “Trường học hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc” là điều Trường THPT Quế Lâm, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) đã và đang hướng tới.
Thây giáo Nguyễn Tiến Trình – Hiệu trưởng Trường THPT Quế Lâm cho biết: “Trường học hạnh phúc” là nơi không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh. “Trường học hạnh phúc” là nơi thầy cô và học sinh vui sống trong sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau; nơi đó, cũng là mái nhà chung mà mỗi ngày giáo viên và học đến trường là một niềm hạnh phúc.
Để tạo được môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, tạo nên “ngôi trường hạnh phúc” thì các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh…được nhà trường tổ chức thường niên, liên tục. nhà trường đã tích cực xây dựng trường lớp: Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn. Đây chính là môi trường thân thiện để thầy và trò cảm thấy háo hức, yên tâm gắn bó mỗi khi đến lớp. Nó sẽ góp phần kích thích giáo viên phát huy tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo trong quá trình dạy học và khuyến khích các em hăng say học tập, rèn luyện tốt, cùng thầy cô hoàn thành xuất sắc các nội dung của năm học.
Trong quá trình xây dựng “Trường học hạnh phúc”, trường THPT Quế Lâm thực hiện linh hoạt, áp dụng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và nhà trường.
“Trường THPT Quế Lâm là một trong ba trường THPT trên địa bàn huyện miền núi Đoan Hùng, điều kiện kinh tế xã hội còn không ít khó khăn; nhà trường đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân 10 xã phía Tây Bắc huyện Đoan Hùng. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng “Trường học hạnh phúc”, ngoài việc truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho học sinh, còn chú trọng giáo dục cảm xúc cho các em.
Mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của thầy và trò được tôn trọng, chứ không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn theo phương cách giáo dục xưa cũ. Mục tiêu các hoạt động của nhà trường không chỉ nhằm làm cho giáo viên và học sinh cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học, mà còn từ nơi khởi đầu đó hạnh phúc sẽ lan tỏa đến phụ huynh học sinh và toàn xã hội”, thầy Trình khẳng định.
Cũng theo thầy giáo Nguyễn Tiến Trình, để "Trường học hạnh phúc” đạt hiệu quả tối ưu, nhà trường đã chú trọng thay đổi nhận thức của giáo viên và học sinh về “Trường học hạnh phúc”. Xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí trường học, lớp học hạnh phúc; triển khai các giải pháp xây dựng môi trường học đường an toàn, tôn trọng, yêu thương và chất lượng.
Theo đó, nhà trường xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, lớp học; nội quy nền nếp và cam kết thực hiện; xây dựng các chủ đề giáo dục giá trị sống cho học sinh thực hiện theo từng tháng, chương trình môn học, các hoạt động trải nghiệm môn học; xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường và thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực học đường.
Bằng các giải pháp thiết thực, cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, các nhà trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã lan tỏa những tín hiệu tích cực, tạo được sự đồng thuận phụ huynh và xã hội. Nhờ đó đã huy động các nguồn lực xã hội để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo điều kiện dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục an toàn, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn những yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Để mô hình "Trường học hạnh phúc" không dừng lại ở khẩu hiệu, phong trào nhất thời, tỉnh Phú Thọ tiếp tục tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội trong việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” từ những việc làm, hành động thiết thực, cụ thể.