Vào tháng 12/2020, Bình Thuận đã duyệt phương án trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích đất rừng tại dự án Hồ chứa nước Ka Pét với 2 đợt, trong đó đợt 1 trồng rừng với diện tích 434,2 và đợt 2 là 1.410,3 ha.
Cụ thể, đối với đợt 1, dự kiến trồng rừng thay thế 144,74 ha rừng tự nhiên (gồm 136,88 ha rừng đặc dụng; 0,51 ha rừng phòng hộ và 7,35 ha rừng sản xuất) nhằm đảm bảo hoàn trả lại diện tích và độ che phủ rừng hiện có trên địa bàn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú.
Mật độ trồng rừng thay thế đợt 1 sẽ là 625 cây/ha theo biện pháp lâm sinh; phương thức trồng thuần loài; các cây sẽ được trồng, chăm sóc trong năm thứ nhất và bảo vệ chăm sóc trong 3 năm tiếp theo.
Đợt 1 sẽ được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 trồng 200 ha ( 2021 – 2024); giai đoạn 2 trồng 134,22 ha (2022 - 2025); giai đoạn 3 trồng 100 ha (2023 - 2026).
Trong đợt 1, mức đầu tư bình quân cho 1 ha rừng trồng khoảng 109 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư trồng rừng thay thế sẽ là hơn 47 tỷ đồng.
Đối với đợt 2, Bình Thuận đang tiến hành rà soát các diện tích rừng để trồng theo hướng ưu tiên trồng bổ sung, phục hồi những loài bản địa trên những diện tích rừng đặc dụng chưa đạt tiêu chuẩn thành rừng.
Rừng thay thế tại đợt 2 sẽ được trồng tại 2 vị trí là Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông (910,32 ha) và khu vực rừng phòng hộ giáp ranh Lâm Đồng (500 ha).
Loài cây trồng trong đợt 2 sẽ là cây bản địa phù hợp với điều kiện lâm sinh và đa dạng sinh học của khu bảo tồn. Mật độ trồng là 625 cây/ha theo biện pháp lâm sinh. Thời gian trồng rừng đợt 2 dự kiến là 2022 - 2025.
Mức đầu tư bình quân để trồng rừng thay thế đợt 2 là gần 92 triệu đồng/ha. Tổng vốn đầu tư trồng rừng đợt 2 là gần 130 tỷ đồng.
Như vậy, tổng vốn đầu tư trồng rừng thay thế cả 2 đợt của dự án là gần 177 tỷ đồng.