Mê cung khác thường có niên đại lên tới 4.000 năm tuổi, diện tích 1.800 m2, tọa lạc trên một ngọn đồi ở đảo Crete của Hy Lạp.
Theo nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Bộ Văn hóa Hy Lạp, cấu trúc mê cung bao gồm 8 vòng đá đồng tâm, độ dày trung bình 1,4m. Một số phần của các vòng đá đã ngã đổ theo thời gian nhưng một phần vẫn nguyên vẹn, thể hiện chiều cao lên đến 1,7m.
Cấu trúc thuộc về nền văn hóa Minoan ở đảo Crete, một nền văn hóa đã để lại cho thế giới các khu bảo tồn đỉnh cao, nhiều cái cheo leo trên các đỉnh đồi và đỉnh núi.
Mê cung bí ẩn trên đỉnh ngọn đồi ở đảo Crete - Hy Lạp - Ảnh: BỘ VĂN HÓA HY LẠP
Theo Science Alert, các di tích Minoan thể hiện sự tinh tế về nghệ thuật Minoan, bao gồm kiến trúc tôn giáo, tượng đất nung về động vật và con người, các loại vật tế lễ kỳ lạ...
Nhưng không rõ liệu cấu trúc mê cung hình tròn - được tìm thấy tại đồi Papoura trên đảo Crete - được sử dụng với mục đích cụ thể như thế nào.
Trong một thông báo, Bộ Văn hóa Hy Lạp cho biết các nhà khảo cổ cho rằng mê cung có thể đã được sử dụng định kỳ cho các nghi lễ nghi lễ liên quan đến việc tiêu thụ thực phẩm, rượu vang và có thể là dâng lễ vật.
Lập luận này đến từ số lượng lớn xương động vật được tìm thấy bên trong cấu trúc.
Thời kỳ sử dụng chính của cấu trúc này là những năm 2000-1700 trước Công nguyên, rơi vào thời kỳ Trung Minoan.
Trong thời gian này, dân số trên đảo tăng lên đáng kể, đồng thời nhiều công trình lớn đã được dựng nên bao gồm các cung điện Minoan mang tính biểu tượng của Crete.
Địa điểm này có thể vẫn tiếp tục được sử dụng với tần suất thấp hơn sau đó, vì có sự hiện diện của tàn tích đồ gốm từ thời kỳ Tân Palatial, khoảng năm 1750–1470 trước Công nguyên.
Công trình được phát hiện trong quá trình đào bới để xây dựng sân bay Kastelli, một dự án hết sức "long đong" vì đụng độ tới 35 di tích khảo cổ.
Nhà khảo cổ học Lina Mendoni, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hy Lạp khẳng định: “Đây là một phát hiện độc đáo rất đáng quan tâm. Có nhiều giải pháp để nghiên cứu khảo cổ về di tích và nó được bảo vệ hoàn toàn".