Anh Minh giải thích, ô tô có tải trọng lớn và cần đảm bảo tính an toàn khi di chuyển tốc độ cao, do đó việc chế tạo xe cứu hộ phải có khả năng chịu tải và làm việc cường độ cao. Khó nhất là thiết kế tối ưu cầu dẫn để xe có thể lên được mà không bị trượt, tức là phải tạo lực ma sát bám mặt đường khi xe di chuyển lên.
Anh Đào Văn Minh chia sẻ, để thiết kế cầu dẫn bánh xe chính xác, có độ bám an toàn, anh đã hợp tác với một đơn vị sản xuất của Nhật Bản để sản xuất khung và lốp đạt độ chính xác, chịu được tải, tốc độ cao.
Sau hàng trăm lần thay đổi, cải tiến anh đã có được thiết kế tối ưu và chọn được vật liệu phù hợp. Tác giả kỳ vọng giải pháp sẽ hỗ trợ cho người sử dụng xe ô tô, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc và giảm chi phí, an toàn tính mạng và tài sản cho chủ xe, tiết kiệm thời gian so với gọi cứu hộ.
Anh cho biết sẽ tiếp tục cân bằng các yếu tố, cải tiến thiết bị nhỏ gọn và phối hợp với các doanh nghiệp để triển khai, hướng tới hợp tác các hãng xe như một thiết bị tặng kèm thiết yếu, quan tâm tới người tiêu dùng.
Gia đình anh Phùng Văn Thăng (Long Biên, Hà Nội) đã sử dụng xe cứu hộ Avandy, do thường xuyên di chuyển tới nhà máy làm việc tại Bắc Ninh. Anh kể ban đầu khi vợ mua về anh không tin tưởng sản phẩm này lắm, chủ yếu để sau cốp xe dùng như xe đẩy chở đồ nặng, bàn ghế đi cắm trại và cho con chơi. Nhưng đợt nghỉ lễ 30/4 khi cùng gia đình đi từ Thanh Hóa về gần đến Hà Nội thì xe bị xịt lốp, lúc này xe cứu hộ bỗng trở nên hữu dụng.
Anh Đào Văn Minh kỳ vọng trong tương lai sẽ có thể phối hợp với nhà sản xuất có kinh nghiệm để đưa sản phẩm thương mại hóa ra thị trường. “Tất cả các thử nghiệm và người dùng đều cho kết quả tốt, sản phẩm đảm bảo độ an toàn khi di chuyển, tiện lợi, giải quyết nhanh gọn tình trạng lốp xe ô tô bị xì hơi. Đây sẽ là tiền đề để phát triển sản phẩm rộng rãi”, anh Minh nói.