Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ đã có những quy định nhằm đảm bảo an toàn với xe ô tô đưa đón học sinh.
Cần sớm có hướng dẫn cụ thể để đưa luật vào cuộc sống, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra như thời gian vừa qua.
Làng Thiếu niên Thủ Đức (TP Thủ Đức, TPHCM) - nơi chăm sóc trẻ mồ côi, bị bỏ rơi từ bệnh viện hoặc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở nhiều nơi gửi về nuôi dưỡng - bố trí xe 29 chỗ phục vụ đưa đón trẻ các khối lớp đi học hằng ngày theo lịch học của các trường.
Theo ông Nguyễn Hữu Tài - Giám đốc Làng Thiếu niên Thủ Đức, Luật Đường bộ và Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ (được Quốc hội thông qua tháng 6/2024) đều có quy định nhằm bảo đảm việc đưa đón học sinh. Điều này giúp nêu cao vai trò, tinh thần trách nhiệm người làm công tác lái xe và đưa đón học sinh đi học của từng đơn vị. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa đón học sinh, tránh gây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.
Tại Làng Thiếu niên Thủ Đức, định kỳ hằng tuần, đơn vị lên lịch đi học và phân công nhân sự thường xuyên liên lạc, giữ mối liên hệ với giáo viên về tình hình tham gia học của trẻ trong ngày để góp phần nắm bắt, kiểm tra số lượng đi học của trẻ từng khu, thuận lợi cho công tác kiểm tra và sắp xếp số lượng trẻ ngồi trên xe.
Theo ông Tài, để quên trẻ trên xe đưa đón là vấn đề đau xót, thể hiện sự chủ quan, lơ là, chưa làm tròn trách nhiệm của tài xế và nhân viên đưa, đón trẻ đi học. Cùng đó là thiếu sót của người lớn do chưa trang bị kịp thời các kỹ năng sống cho trẻ. Do vậy cần có giải pháp đồng bộ giữa việc trang bị phương tiện như camera giám sát hành trình xe đưa đón trẻ, lắp đặt chuông cảnh báo trên xe cũng như hướng dẫn trẻ chuẩn bị vào lớp 1 cách gây chú ý cho người khác khi không may bị bỏ sót trên xe.
“Trong công tác đưa đón trẻ, Làng đảm bảo thực hiện kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng xe đúng quy định xây dựng kế hoạch kiểm tra, vệ sinh xe thường xuyên. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng, nhận thức cho đội ngũ nhân sự làm công tác đưa, đón trẻ cũng quan trọng và được đẩy mạnh.
Thời gian chờ hướng dẫn, đơn vị chủ động nhắc nhở tài xế và phân công nhân viên đưa, rước trẻ hàng ngày kiểm tra số lượng trẻ được đưa đi, đón về, kiểm tra từng ghế ngồi trong xe trước khi trẻ đến trường và trả về đơn vị”, ông Tài cho hay.
Ông Đỗ Huy Khánh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai cho rằng, Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ 2024 vừa được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ 1/1/2025) có Điều 46 với nội dung “Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh”.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, điều này chưa thể thực hiện ngay do nhiều yếu tố. Đặc biệt, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định về “văn bản quy định chi tiết”. Theo đó, văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi có hiệu lực thì thi hành được ngay.
Theo ông Khánh, đối với vấn đề quy định xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp hoạt động đưa đón trẻ mầm non, học sinh phải đáp ứng các yêu cầu có thiết bị ghi nhận hình ảnh, thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, điều này khó thực hiện do liên quan đến tài chính. Thực tế, hệ thống trường quốc tế có kinh phí, có thể chủ động tài chính để thiết kế theo quy chuẩn chung. Tuy nhiên, hệ thống trường công còn hạn chế nhiều về ngân sách nên việc thay đổi đột ngột không dễ triển khai ngay.
Bên cạnh đó, ngoài kinh doanh đưa đón học sinh, nhà xe còn sử dụng xe để kinh doanh dịch vụ. Ngoài ra, xe đưa đón học sinh là thỏa thuận giữa đại diện cha mẹ học sinh, phụ huynh và hợp tác xã vận tải, nhà trường là đơn vị kết nối, kiểm tra các thông số kỹ thuật, giấy tờ pháp lý của nhà xe theo đúng quy định pháp luật.
“Nếu chúng ta làm hàng loạt mà không có kế hoạch cụ thể, dài hơi rất dễ dẫn đến khủng hoảng đầu năm học do có thể các đơn vị đồng loạt dừng hợp đồng, học sinh vẫn là người chịu thiệt.
Luật phải đi từ bao quát, tiếp đó cụ thể văn bản chi tiết hướng dẫn. Vì vậy, điều quan trọng Chính phủ cần sớm giao cho Bộ Giao thông vận tải, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, văn bản hướng dẫn chi tiết dành riêng cho xe đưa đón học sinh để các doanh nghiệp thực hiện”, ông Khánh nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Gia đình (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi có hiệu lực sẽ thi hành được ngay. Trong trường hợp văn bản có điều, khoản, điểm mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những nội dung khác cần quy định chi tiết thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết.
Những văn bản luật đã ban hành và có hiệu lực nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thi hành thì chúng ta có thể áp dụng các nguyên tắc, quy định của văn bản hướng dẫn của luật cũ để vận dụng giải quyết. Tuy nhiên, điều này cũng cản trở thi hành áp dụng luật mới.
“Cơ quan chức năng cần ban hành văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành cùng lúc với các luật trên để bảo đảm nhanh luật được áp dụng sớm, đồng bộ, thống nhất đi vào cuộc sống tránh có thêm những tai nạn, hậu quả đáng tiếc như vừa qua”, ông Hùng nhấn mạnh.
Luật sư Trần Minh Hùng cho biết: “Văn bản quy định chi tiết chỉ quy định nội dung được giao và không được quy định lặp lại nội dung của văn bản được quy định chi tiết. Quy định trên nhằm khắc phục tình trạng luật ban hành nhưng phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành nhưng hiện nay, ít văn bản hướng dẫn được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm với văn bản luật đã gây không ít khó khăn cho các cơ quan áp dụng, thậm chí có thể kéo dài thêm thời gian áp dụng”.