“Lọc ảo đóng vai trò quan trọng với các trường. Thí sinh có học lực giỏi có thể chỉ xét 1-2 nguyện vọng vào trường mình yêu thích. Nhưng với thí sinh có học lực khá thì số nguyện vọng và phương thức xét tuyển sẽ đa dạng hơn. Việc khai lại đôi lúc khiến thí sinh bị rối, đặt sai nguyện vọng yêu thích. Vì vậy, nếu phần mềm ổn thì công tác xét tuyển các trường sẽ rất tốt, trường hợp ngược lại sẽ gây khó cho các trường”, ThS Nam nhận định.
Quy chế tuyển sinh 2022 mới ban hành nhưng các trường đã đẩy mạnh việc xét tuyển bằng phương thức khác như xét học bạ THPT, xét tuyển thẳng, điểm bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM. Tuy vậy, do năm nay việc công bố thí sinh trúng tuyển được thực hiện chung một lần sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT nên các trường gần như không còn bắt thí sinh thực hiện việc xác nhận trúng tuyển hay đóng tiền xác nhận nhập học.
Xây dựng nhiều kịch bản dự phòng
Với việc xét tuyển chung tất cả phương thức như năm nay, các trường đại học công lập lo một thì trường ngoài công lập lo mười, bởi khó thể đoán định, dự báo được tỷ lệ thí sinh trúng tuyển và nhập học là bao nhiêu. Ngoài ra, dự kiến kế hoạch năm học sẽ phải thay đổi do thời gian xét tuyển trễ và có thể phải thực hiện tuyển bổ sung, nhất là trường ngoài công lập.
Để tránh bị động, nhiều trường buộc phải xây dựng phương án dự phòng cho việc xét tuyển bổ sung. TS Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thừa nhận lo lắng và khó khăn nhất trong tuyển sinh năm nay là phải quyết định số lượng trúng tuyển cho tất cả phương thức cùng một thời điểm trong khi tỷ lệ nhập học rất khó dự đoán theo quy định mới của quy chế.
“Việc cân đối tỷ lệ các phương thức sao cho phù hợp bối cảnh, điều chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu các phương thức tuyển sinh để không bị thiếu hụt quá nhiều sau khi Bộ lọc ảo và nhả dữ liệu không đơn giản. Với đặc thù của trường là xét tuyển chỉ tiêu bằng điểm thi THPT và học bạ chiếm tỷ trọng lớn, việc chủ động trong tuyển sinh rất quan trọng.
Để tránh việc phải đối mặt với tình trạng số nhập học không sát với chỉ tiêu trúng tuyển, ở phương thức xét ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT (xét học bạ), trường thực hiện một bước xét sơ tuyển… để xác định những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển, tiến hành thông báo tránh cho thí sinh chờ đợi, căng thẳng”, TS Cầm nói.
ThS Nguyễn Anh Vũ - Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cho biết sự bị động và lo ảo trong tỷ lệ xác nhận nhập học và trúng tuyển ở các trường là có. Nhưng không thể không thừa nhận Quy chế tuyển sinh năm nay mang lại nhiều thuận lợi cho thí sinh.
Theo quy chế, ở các phương thức xét tuyển khác (học bạ chẳng hạn) khi nhà trường xét thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển phải công bố danh sách dự kiến lên cổng thông tin của trường. Sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường hướng dẫn thí sinh ghi lại nguyện vọng lên cổng xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT để lọc nguyện vọng trúng tuyển.