Triển khai Mô hình ngăn ngừa bạo lực giới trong trường học

Phạm Quyên | 15/06/2022, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sáng 15/6, tại TP Đông Hà (Quảng Trị), Bộ GD&ĐT phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam (Tổ chức Plan) tổ chức Hội nghị tổng kết Mô hình Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng giai đoạn 2018-2022.

Bà Lê Thị Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội nghị.Bà Lê Thị Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội nghị.

Mô hình trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng được Bộ GD&ĐT cùng Tổ chức Plan hợp tác triển khai tại 5 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum từ năm 2018 đến năm 2022 với tổng kinh phí khoảng 66 tỷ đồng do Tổ chức Plan hỗ trợ.

Các đại biểu tìm hiểu tài liệu, áp phích về phòng ngừa bạo lực giới trong trường học được trưng bày tại hội nghị.

Mô hình nhằm mục tiêu trang bị kiến thức, kỹ năng giúp các em học sinh tại các trường dân tộc nội trú và vùng sâu, vùng xa phòng tránh và xử lý khi đối diện với bạo lực giới. Bên cạnh đó, còn nâng cao năng lực cho Ban giám hiệu và cán bộ, giáo viên trong trường để tạo môi trường thuận lợi cho việc hình thành và duy trì thái độ bình đẳng giới trong học sinh.

Sau 4 năm triển khai thực hiện, Mô hình đã cho thấy thành công và hiệu quả rõ rệt trong giải quyết vấn đề bạo lực học đường.

Cụ thể, học sinh ở các trường triển khai Mô hình đã được trang bị các kỹ năng cần thiết và cảm thấy vững vàng hơn trong xử lý các tình huống để đảm đảm an toàn cho bản thân và bạn bè với môi trường xung quanh trường học và trên đường đi học; Tỷ lệ học sinh bị bạo lực thể chất và tinh thần đã giảm đáng kể so với số liệu khảo sát khi bắt đầu triển khai Mô hình; Nhận thức về giới của giáo viên chủ nhiệm tăng lên, giáo, tăng cường thực hành các phương pháp giáo dục tích cực, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa học sinh và giáo viên, tạo mối quan hệ thân thiện trong trường học;

Gần 100% học sinh đánh giá cao tính phù hợp và cần thiết của các bài giảng của Mô hình do giáo viên chủ nhiệm tiến hành, hơn 75% các em học sinh đã có kỹ năng cần thiết để sẵn sàng giúp đỡ bạn bè khi bị bạo lực, trên 75% đã có những thay đổi tích cực trong thái độ và cách cư xử với bạn bè; tăng 30% số học sinh luôn chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ của cha mẹ và tăng 20% học sinh đã luôn chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ của thầy cô; quá trình triển khai thử nghiệm mô hình tại 5 địa phương, từ 47 trường năm thứ nhất (2018) đã tăng lên 174 trường vào năm thứ tư (2022) và đang tiếp tục nhân rộng.

Ông Lưu Quang Đại - Quản lý chất lượng và phát triển chương trình, Tổ chức Plan phát biểu tại hội nghị.

Theo Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý Tác động Chương trình và Đối tác, Tổ chức Plan cho biết: “Chúng tôi cảm thấy rất vui với những thành quả mà Mô hình đã đạt được. Cụ thể là các trường thực hiện Mô hình đã cho thấy những kết quả tích cực với phương pháp tiếp cận phù hợp thu hút được sự tham gia của cả hệ thống trường học, không chỉ các em học sinh với tư cách là các tác nhân thay đổi, mà còn có các giáo viên, các bậc cha mẹ, ban giám hiệu,... tất cả đã cùng nhau tham gia giải quyết vấn đề này.

Mô hình đã rất thành công khi tạo ra được môi trường thuận lợi để trẻ em gái, trẻ em trai và giáo viên cảm thấy an toàn hơn trong ngôi trường của mình. Chúng tôi tin rằng những kết quả của Mô hình sẽ được nhân rộng ra các địa phương khác trên đất nước Việt Nam”.

Đại điện Sở GD&ĐT Hà Giang, một trong năm đơn vị thực hiện thí điểm cho biết: “Trong thời gian tiếp theo, trách nhiệm của ngành Giáo dục tỉnh Hà Giang là sẽ tiếp tục phát huy những thành quả và hiệu quả mà Mô hình đã mang lại bước đầu cho các cơ sở giáo dục và địa phương được triển khai, qua đó xem xét nhân rộng những mô hình, những cách làm mà Mô hình đã thực hiện và đã chứng minh được hiệu quả”.

Một tiểu phẩm do Nhóm Học sinh CLB Thủ lĩnh Thay đổi Quảng Trị đến từ Trường Tiểu học và THCS A Túc (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) trình bày tại hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện 5 Sở GD&ĐT đến từ 5 địa phương đã báo cáo về kết quả thực hiện mô hình sau 4 năm triển khai. Bên cạnh đó, cũng đưa ra những ý kiến thảo luận về các khó khăn, vướng mắc khi triển khai Mô hình. Đồng thời, mong muốn tiếp tục duy trì và xem xét nhân rộng Mô hình này trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh kỷ niệm.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, bà Lê Thị Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: “Tìm hiểu và triển khai các mô hình là một trong các nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT nhằm xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện không có bạo lực học đường. Mô hình Trường học an toàn thân thiện và bình đẳng đã được Bộ GD&ĐT phối hợp với Plan và 5 địa phương xem xét, cho phép triển khai thử nghiệm trong giai đoạn 2018-2022, kết quả thử nghiệm là căn cứ để xem xét cho việc tiếp tục duy trì và nhân rộng trong thời gian tới. Bộ GD&ĐT sẽ xem xét một cách tổng thể, cho phép nghiên cứu, xây dựng Hướng dẫn triển khai mô hình này trong thời gian tới”.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu tham dự cùng các em học sinh được theo dõi các phim ngắn và tiểu phẩm về phòng chống và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Theo kế hoạch, hội nghị diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/6, trong đó vào chiều ngày 16/6, các đại biểu sẽ đến thăm hoạt động Mô hình tại Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).

Bài liên quan
Khởi tố, bắt tạm giam nghi phạm sát hại thiếu nữ 13 tuổi
Ngày 15/6, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bến Tre đã khởi tố, bắt tạm giam Võ Hoàng Khang để điều tra về các tội danh: "hiếp dâm người dưới 16 tuổi", "giết người ", "cướp tài sản".

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển khai Mô hình ngăn ngừa bạo lực giới trong trường học