Ở một làng ngoại thành Hà Nội, cho đến nay vẫn duy trì thói lệ ăn uống kéo dài trước ngày đám cưới. Kể từ khi tổ chức lễ ăn hỏi, gia chủ ngày nào cũng phải 2 bữa đón tiếp họ hàng, làng xóm. Thậm chí, một tháng nữa mới tổ chức đám cưới – thì một tháng đó, cứ ngày 2 lần tưng bừng ăn uống.
Còn hủ tục con gái đi lấy chồng phải “cống” cho làng nghìn gạch hay vạn gạch thì vẫn tồn tại ở nhiều tỉnh thành. Lại có nơi, con gái lấy chồng không được nhận tiền mừng của làng, có nơi phải trả “nợ miệng”.
Người ngoài dễ nhận ra các hủ tục, nhưng người trong làng lại khó có thể nhận diện. Hoặc họ biết đó là hủ tục nhưng không dám bỏ, không dám đấu tranh vì “lệ làng, phép nước”.
Lại có nhiều thứ khó phân định là phong tục hay hủ tục. Như ở một số làng ở vùng Hà – Nam – Ninh, lệ ăn cỗ lấy phần gây khá nhiều phiền nhiễu. Chính quyền nhiều xã thừa nhận, lệ ấy “tuy là một nét văn hóa nhưng không còn phù hợp”.
Thậm chí, cứ cho rằng, ăn cỗ lấy phần là hủ tục thì cũng khó xóa bỏ. Từng có một số địa phương áp dụng điều nọ, luật kia nhưng không thành. Phổ biến gia chủ hãy tiết kiệm để không thừa cỗ lấy phần, đó là điều không thể.
Phú quý sinh lễ nghĩa, ăn ở như bát nước đầy, người sao ta vậy, nhìn nhau mà sống – không thêm món thêm bát thì thôi, ai lại đi bớt cỗ?!
Cho nên để xóa bỏ hủ tục, phải tuyên truyền làm sao để người dân nhận ra thói lệ ấy là hủ tục chứ không phải phong tục, là lạc hậu chứ không phải văn hóa.