Gắn bó với học sinh vùng khó nhiều năm, đặc biệt là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số do vậy cô Thắm cũng như các đồng nghiệp của mình hiểu hơn ai hết những đặc thù của học sinh đồng bào dân tộc.
Vì vậy, khi đến trường thầy cô không chỉ giảng dạy cho các em kiến thức, kỹ năng sống mà mỗi thầy cô cũng phải tạo cảm giác thỏa mái, an tâm khi đến lớp. “Để học sinh cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, cô Thắm nói.
Cô Thắm nói thêm: “Học sinh đồng bào dân tộc, khả năng tiếp thu bài chậm hơn so với học sinh vùng thuận lợi, do đó tôi luôn nhắc nhở giáo viên khi các em có sự tiến bộ, thầy cô phải biểu dương, khuyến khích để các em tiếp tục phát huy.
Đối với học sinh yếu, tiếp thu bài chậm giáo viên có phương pháp giảng dạy riêng để các em theo kịp chương trình học với bạn bè cũng như không có cảm giác chán nản khi học bài”.
Không chỉ vậy, Trường Tiểu học Minh Khai có 5 điểm trường, tại các điểm trường có học sinh lớp ghép do đó nhà trường cũng chú trọng đến công tác bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên. Hàng năm, nhà trường cho tất cả giáo viên đi tập huấn dạy lớp ghép. “Theo đó, tất cả các giáo viên ở trường đều có thể giảng dạy lớp ghép”, cô Thắm nói.
Cô Hoàng Thị Hà - giáo viên dạy tiếng Anh tại Trường Tiểu học Minh Khai (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) chia sẻ: “Với học sinh người dân tộc, việc dạy học cần phải kiên trì, có phương pháp riêng để các em tạo hứng thú. Ngoài những tiết học chính khóa, tôi cũng chia sẻ với học trò của mình về các nhân vật thành công để truyền cảm hứng cho học sinh; để các em biết được giá trị của việc học như thế nào.
Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều em chưa biết được vai trò của học ngoại ngữ. Vì thế người giáo viên cần định hướng, nâng cao nhận thức cho các em trong việc học ngoại ngữ; để các em biết được đây không phải môn học bắt buộc mà là môn học cần thiết, giúp ích rất lớn sau này”.
Để tạo hứng thú cho học sinh học tiếng Anh, cô Hà đã mua truyện bằng tiếng Anh, xây dựng những video bằng tiếng Anh hay cố gắng tạo môi trường để học sinh của mình được giao tiếp học hỏi.
Đối với những học sinh khó khăn, hàng tháng cô Hà lại trích một phần nhỏ trong lương của mình để mua dụng cụ học tập tặng.
“Tôi muốn các em hiểu rằng, ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào các em luôn có sự đồng hành của thầy cô, bạn bè”, cô Hà cho biết thêm.
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn: Năm học 2021-2022, chương trình “Hũ gạo tình thương” ngành giáo dục Lạng Sơn đã được 2.715.898.000 VNĐ, 29.989 kg gạo; 413 giáo viên được giúp đỡ với 264.880.000 VNĐ; 12.318 học sinh được giúp đỡ với 2.209.701.000 VNĐ ngoài ra còn có các hiện vật khác như: 117 chiếc xe đạp, 6 bộ thiết bị phòng vệ sinh, 847 suất quà, 183 chiếc chăn lông, 278 bộ quần áo ấm, 6.663 quyển vở.