Trường Tiểu học Sa Pa (thị xã Sa Pa, Lào Cai) trang bị phòng máy tính trước thềm năm học mới vừa tập huấn giáo viên, vừa dạy học Tin học cho học sinh. Ảnh: NTCC |
Gỡ bài toán thiết bị dạy học
Thiếu và chậm thiết bị dạy học khi bước vào năm học mới không còn là vấn đề mới nên hầu hết các trường đã chủ động tháo gỡ theo nhiều cách và trong điều kiện của nhà trường để đảm bảo triển khai dạy học.
Cô Dương Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thanh Vân (Quản Bạ, Hà Giang) chia sẻ: Khi kinh phí đầu tư cho trang thiết bị dạy học hiện đại khó khăn bởi nguồn kinh phí của trường hạn hẹp; việc xã hội hóa từ phụ huynh là không thể bởi gần 100% trẻ là con em đồng bào dân tộc, điều kiện thiếu thốn…, ban giám hiệu đã yêu cầu giáo viên phát huy học liệu có sẵn, phù hợp, tăng cường tự làm đồ dùng dạy học.
Ngoài ra, trường cũng thực hiện tiết kiệm chi để có nguồn kinh phí đủ mua sắm thiết bị dạy học hiện đại. Ban giám hiệu, giáo viên cũng tích cực vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm ủng hộ vật chất hoặc thiết bị dạy học theo yêu cầu thực tế nhà trường…
Tại Trường THCS & THPT Đakrong (Quảng Trị), ban giám hiệu và giáo viên tiếp tục tận dụng các thiết bị cũ còn phù hợp, mua bổ sung một số thiết bị cơ bản theo đề xuất của giáo viên. Đặc biệt yêu cầu giáo viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác học liệu điện tử (tranh ảnh, bản đồ, tư liệu, làm thí nghiệm ảo…); Tổ chức cuộc thi giáo viên làm đồ dùng dạy học hàng năm để tăng cường về số lượng và chất lượng.
“Thiếu thiết bị dạy học buộc giáo viên phải đầu tư thời gian, công sức nhiều hơn trong việc khai thác công nghệ thông tin vào soạn giáo án, tăng cường học liệu điện tử, không để học sinh phải học “chay”. Để làm được điều đó, nhà trường cũng động viên, khuyến khích, tạo cảm hứng chứ không đơn thuần là “yêu cầu bắt buộc”…”, thầy An chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Lịch, Trưởng phòng GD&ĐT Yên Bình (Yên Bình, Yên Bái) chia sẻ kinh nghiệm riêng trong đảm bảo thiết bị dạy học: Phòng GD&ĐT tham mưu huyện đầu tư cơ sở vật chất, các hạng mục thiết bị dạy học cho trường chưa có, còn thiếu. Các trường đã ổn định, yêu cầu và hướng dẫn tận dụng tiếp hoặc dùng chung giữa các khối lớp liền kề (khối 1 và 2; khối 2 và 3; khối 4 và 5…); Sắp xếp lịch hợp lý, trang thiết bị đầy đủ hiện đại để dạy nhiều lớp. Đặc biệt, khuyến khích giáo viên khai thác học liệu điện tử dạy học trên lớp để thay thế thiết bị dạy học trực tiếp còn thiếu…
“Với 200 máy tính bảng mới được tặng, Phòng GD&ĐT Sa Pa (Lào Cai) triển khai lắp đặt phòng học kết nối thông minh cho các trường trọng điểm chất lượng cao và trường khó khăn. Như vậy, có thể hỗ trợ thiết bị dạy học cho nhiều trường để đảm bảo dạy học theo CT, SGK mới, đặc biệt dạy học Tiếng Anh, Tin học bắt buộc...”. - Ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng phòng GD&ĐT Sa Pa