Trần Thị Tú Trinh - học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) cũng thừa nhận điều này. Tú Trinh chọn tổ hợp KHXH vì mình có thế mạnh ở môn Ngữ văn và Ngoại ngữ nên chỉ cần cố gắng làm tốt bài thi tổ hợp là có thể tham gia xét tuyển nhiều trường, ngành mà em yêu thích. “Mục tiêu lớn nhất của em khi chọn bài thi KHXH là để tốt nghiệp trước, kế đến là có điểm số tốt nhất cho tổ hợp môn xét tuyển đại học”, Tú Trinh chia sẻ.
Điểm chuẩn sẽ ra sao với nhóm ngành KHXH?
Từ kinh nghiệm của mình, ThS Phùng Quán cho rằng: Với những thay đổi trong đăng ký xét tuyển trong năm nay và với xu thế chọn ngành nghề của học sinh, điểm chuẩn của các ngành có các tổ hợp liên quan đến bài thi KHTN sẽ tương tự năm 2021. Riêng điểm chuẩn cho phương thức điểm thi THPT dự kiến tương đối cao.
ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM - chia sẻ: Học sinh đăng ký các môn KHXH nhiều hơn với mục tiêu chỉ đậu tốt nghiệp THPT là điều dễ hiểu. Bởi các môn này có mức độ khó ít hơn nhiều so với các môn KHTN và dễ đạt điểm trung bình hơn.
Điểm chuẩn nhóm ngành KHXH sẽ tăng hay không (do tỷ lệ đăng ký lớn) rất khó để nhận định, do chỉ tiêu dành cho phương thức xét của từng trường khác nhau. “Thực tế có quá nhiều phương thức xét tuyển để các em lựa chọn ngoài phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT. Với điều chỉnh trong hình thức xét tuyển chung về một cổng của Bộ GD&ĐT như năm nay, dự đoán điểm chuẩn nhóm ngành KHXH sẽ nhích nhẹ ở phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT”, ThS Phạm Thái Sơn nhận định.
TS Mai Đức Toàn – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Gia Định - nêu quan điểm: Thí sinh chọn tổ hợp bài thi liên quan đến sở trường và lợi thế khi thi tốt nghiệp THPT (tùy vào năng lực), nhưng qua đây cho thấy xu hướng các ngành nghề thuộc nhóm KHXH đang chiếm ưu thế do nhu cầu của xã hội và phản ánh sở thích của các em.