Xu hướng khởi nghiệp kinh doanh đồ ăn vặt theo 'trend'

20/01/2024, 14:41
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thời gian gần đây, những món ăn vặt đường phố đang “làm mưa làm gió” trong "từ điển" ẩm thực của giới trẻ.

Với số vốn đầu tư nhỏ, thu về lợi nhuận cao, mô hình kinh doanh đồ ăn vặt theo xu hướng hiện đang thu hút nhiều người khởi nghiệp.

“Buôn có hội, bán có phường”

Những ngày này, dọc phố Đồng Xuân, Hà Nội xuất hiện hàng loạt sạp hàng bán xúc xích Hà Khẩu nướng đá (có nơi gọi là lạp xưởng Hà Khẩu) trên vỉa hè. Chỉ cách vài trăm mét lại có một sạp hàng nhỏ bán loại đồ ăn vặt "hot trend" du nhập từ Trung Quốc.

Không chỉ ở khu vực tập trung nhiều khách du lịch, trào lưu này còn lan ra các quận nội thành khác tại Hà Nội. Gần 21 giờ ngày 15/1, dù trời mưa lất phất, nhưng sạp xúc xích Hà Khẩu tại đường Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) của chị Huyền vẫn đông nghịt các bạn trẻ mua hàng. Chị Huyền (28 tuổi) chia sẻ, mới là ngày thứ 9 chị mở sạp hàng, nhưng trung bình mỗi ngày bán được khoảng 400 cái xúc xích.

“Tôi là người vùng biên Lào Cai, giáp Trung Quốc, nên xúc xích Hà Khẩu này tôi ăn lâu lắm rồi. Dạo gần đây món ăn này bỗng nhiên được các bạn trẻ Thủ đô săn đón. Ban đầu chỉ có trên Hàng Chiếu với Đồng Xuân bán thôi. Tôi thích món ăn vặt này mà mỗi lần đi lên đó phải hơn chục cây số, nên tôi quyết định mở luôn sạp hàng tại khu Thanh Xuân”, chị Huyền kể.

Nghĩ là làm, chị Huyền đặt mua bếp điện, đá cuội và tìm nguồn nhập nguyên liệu. Sau khâu chuẩn bị tương đối đơn giản với số vốn dưới 5 triệu đồng, quầy hàng của chị Huyền chính thức đi vào hoạt động.

Xác định từ đầu đây chỉ là nghề “tay trái” và kinh doanh theo trào lưu, nhưng chị Huyền không ngờ việc buôn bán lại vượt ngoài mong đợi. Chị Huyền chia sẻ: “Khu vực này tập trung nhiều học sinh, sinh viên, mà đây lại là đối tượng bắt sóng các trào lưu rất nhanh nên nhiều bạn trẻ qua mua với tâm lý tò mò, ăn theo số đông. Có hôm lượng khách quá tải, em trai tôi phải ra phụ giúp chứ một mình tôi bán không kịp”.

Dù việc kinh doanh khá thuận lợi, nhưng chị Huyền không định gắn bó với công việc này lâu dài. Theo chị, những ngày gần đây các sạp bán xúc xích giống như chị nhiều “như nấm mọc sau mưa”. Điều này dẫn tới việc khan hiếm nguồn nhập nguyên liệu, đồng thời đẩy giá bán sỉ lên cao, từ đó lãi giảm. Bên cạnh đó, việc đứng gần như cả ngày ngoài đường, bất kể mưa nắng đến tận đêm muộn không phải ai cũng làm được.

Anh Hoàng Thế Hạo - người đưa xu hướng trà chanh giã tay đến với giới trẻ Hà Nội.
Anh Hoàng Thế Hạo - người đưa xu hướng trà chanh giã tay đến với giới trẻ Hà Nội.

Khi “cơn sốt” giảm nhiệt

Trước xúc xích Hà Khẩu, bánh đồng xu phô mai cũng là món ăn vặt gây sốt trong giới trẻ. Nhiều người đổ xô đi trải nghiệm món ăn mới mẻ này. Tuy nhiên, mới qua 2 tháng đã không còn cảnh xếp hàng dài để mua bánh đồng xu trước các quầy hàng như trước. Trên các hội nhóm thanh lý đồ dùng kinh doanh cũng xuất hiện nhiều bài đăng bán lại máy, khuôn làm bánh đồng xu. Từ đó có thể thấy việc buôn bán mặt hàng này không còn đạt lợi nhuận như mong đợi.

Thời điểm tháng 9/2023, trà chanh giã tay - thức uống du nhập từ Trung Quốc - cũng được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Loại chanh được người bán sử dụng trong pha chế là chanh Quảng Đông hay còn gọi là chanh nước hoa. Người pha sẽ dùng tay giã chanh, kết hợp với trà và đường phèn tạo nên thức uống với mùi thơm vô cùng đặc biệt.

Anh Hoàng Thế Hạo (30 tuổi) là người đầu tiên đưa “trend” trà chanh giã tay đến với giới trẻ Hà Nội. “Tôi bán trà chanh này từ tháng 7/2023. Thời gian đầu tôi không có quầy hàng cố định mà chỉ là chiếc bàn xếp nhỏ cùng một số nguyên liệu cần thiết, cho lên xe máy rồi chạy quanh Hồ Tây để bán. Đến tháng 9/2023 thì bỗng nhiên đồ uống này trở nên “hot” nhờ sức mạnh của mạng xã hội và được mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ đón nhận nhiệt tình”, anh Hạo nói.

Thời gian đỉnh điểm của “cơn sốt”, rất nhiều người cũng mở quầy bán trà chanh giã tay như anh Hạo. Nhiều quán cà phê cũng nhanh chóng đưa đồ uống này vào thực đơn để thu hút khách. Tuy nhiên, ghi nhận tại thời điểm tháng 1/2024, không còn nhiều hàng quán bán thức uống này. Có thể thấy trào lưu này đã dần hạ nhiệt.

Nguyễn Thị Khánh Huyền (19 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Em xem trên TikTok nên tò mò đi từ Cầu Giấy lên Hồ Tây để uống trà chanh của anh Hạo. Thời điểm đang “hot”, khách tới mua phải xếp hàng đợi 15 - 20 phút để được thưởng thức ly trà chanh đặc biệt này. Em có thử uống ở nhiều nơi rồi, nhưng cảm thấy hương vị ở đây vẫn đặc biệt nhất, nên có dịp vẫn chỉ quay lại đây mua”.

Hiện nay, anh Hạo không còn chạy xe máy quanh Hồ Tây nữa mà bán cố định ở tại đường Quảng Bá (Tây Hồ, Hà Nội). Khi được hỏi về việc kinh doanh sau khi trào lưu này đã phần nào thoái trào, anh Hạo tươi cười cho biết, tuy không còn quá đông khách như trước nhưng việc buôn bán vẫn ổn định với lượng khách quen. Họ đến vì thích hương vị của đồ uống anh làm chứ không phải vì tò mò nữa. Anh Hạo vẫn duy trì và mong muốn phát triển mở rộng mô hình, kinh doanh thêm bánh ngọt bên cạnh món trà chanh đã được nhiều người ủng hộ.

Có thể thấy, trong kinh doanh, việc nắm bắt và đi đầu các xu hướng một cách nhanh chóng là cơ hội khởi nghiệp cho người mới bắt đầu với số vốn nhỏ. Cùng với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, những món ăn rất dễ trở thành phong trào, nhưng sau một thời gian ngắn đều dần hạ nhiệt, bởi bản chất xu hướng chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định.

Việc sao chép cách thức kinh doanh theo lối mòn sẽ dẫn tới cung vượt cầu, từ đó làm thoái trào những món ăn theo trào lưu. Việc kinh doanh “thời vụ” này nếu muốn duy trì và phát triển lâu dài, người kinh doanh phải chủ động tạo ra sản phẩm mới thu hút khách, có “chất” riêng độc đáo để giữ chân tệp khách hàng của mình chứ không chỉ đến thử vì tò mò rồi không bao giờ quay lại.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xu hướng khởi nghiệp kinh doanh đồ ăn vặt theo 'trend'