Theo Viện Hợp tác, đào tạo và nghiên cứu quốc tế (Trường ĐH Tôn Đức Thắng), có khoảng 200 giảng viên, nghiên cứu viên quốc tế, đến từ Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Anh Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… thường xuyên làm việc tại trường. Nhiều người trong số họ tiếp tục giới thiệu bạn bè, đồng nghiệp cũ đến “đầu quân” cho trường.
Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM), nhiều khoa thuộc nhóm ngành ngoại ngữ hay nghiên cứu về các nước đều có giảng viên nước ngoài thỉnh giảng. Cụ thể, Khoa Hàn Quốc học, ngoài 20 cán bộ, giảng viên cơ hữu còn có 6 giáo sư là người Hàn Quốc.
Giảng viên quốc tế giảng dạy tại Trường ĐH Fulbright Việt Nam. Ảnh: FUV |
TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Chương trình tài năng GDU, cho rằng, sử dụng giảng viên người nước ngoài sẽ trở thành xu hướng mà các trường đại học hướng tới. Việc này giúp sinh viên được mở mang kiến thức, lắng nghe kinh nghiệm trên thế giới, những câu chuyện thực tế toàn cầu đang diễn ra như thế nào. Sinh viên cũng có thêm mối liên hệ với chuyên gia, mở ra cơ hội giao lưu quốc tế. Định hướng dài hạn của GDU là tăng số lượng giảng viên nước ngoài, ký kết hợp tác với nhiều trường đại học quốc tế.
“Những buổi học này là luồng không khí mới cho sinh viên, giúp tiếp cận nhanh với thị trường làm việc không chỉ trong nước và quốc tế, từ đó dễ dàng tìm kiếm học bổng quốc tế hoặc cơ hội việc làm ở tập đoàn quốc tế, công ty đa quốc gia”, TS Toàn nhận định.
TS Đỗ Hữu Nguyên Lộc, Phó Hiệu trưởng UEF, cũng có góc nhìn tương tự khi cho rằng, giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy sẽ là xu hướng của giáo dục đại học Việt Nam. Điều này phù hợp với chủ trương của Bộ GD&ĐT là đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục.
Theo TS Lộc, quốc tế hóa giáo dục đại học đòi hỏi sự xuất hiện của 2 lực lượng là: Giảng viên quốc tế và sinh viên quốc tế. Bên cạnh đó, để các trường đại học nâng hạng trong bảng xếp hạng chất lượng trên thế giới thì chỉ số giảng viên nước ngoài cũng là một trong những tiêu chí quyết định.
“Việt Nam đang trên đà phát triển và hội nhập, sự đầu tư của công ty, tập đoàn đa quốc gia đến từ nước ngoài ngày càng mạnh, đòi hỏi nguồn nhân sự trẻ đáp ứng được các kỹ năng của công dân toàn cầu. Từ đó, nhu cầu học tập, đào tạo trong môi trường quốc tế của sinh viên cũng tăng lên. Để đáp ứng chất lượng giảng dạy, chắc hẳn phải tăng cường đội ngũ giảng viên nước ngoài”, TS Lộc nói.
Chế độ tiền lương, đãi ngộ cho giảng viên nước ngoài thường cao hơn giảng viên trong nước. Họ được tạo mọi điều kiện để làm việc và cống hiến tốt nhất theo khả năng; được hỗ trợ về nhà ở, phương tiện đi lại, dịch vụ y tế và thủ tục pháp lý như visa, cư trú. Mọi điều kiện liên quan đến công việc, giảng viên người nước ngoài đều có thể thương lượng để giải quyết và thống nhất một cách thuận lợi.