“Để đảm bảo tính ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, phương án tuyển sinh dự kiến năm 2022 không có nhiều thay đổi so với năm 2021” - ThS Đỗ Ngọc Anh nhấn mạnh, đồng thời lưu ý: Thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án và điểm trúng tuyển các năm gần đây để có lựa chọn phù hợp với năng lực. “Theo kết quả khảo sát năm 2020, dù trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay trong năm đầu tiên của trường vẫn đạt tỷ lệ trên 90%, một số ngành tỷ lệ này gần 100%”, ThS Đỗ Ngọc Anh chia sẻ.
TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) nhìn nhận: Năm 2022 xu hướng tuyển sinh bằng phương thức xét học bạ, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (có kết hợp) tăng lên.
Ngoài ra, xu hướng tuyển sinh năm nay vẫn theo 3 nhóm chính, gồm: Các ngành đặc thù, cơ sở giáo dục đại học buộc tổ chức kỳ thi riêng để đánh giá (ví dụ thi năng khiếu). Những ngành nghề không quá đặc thù và không có mức độ cạnh tranh cao, vẫn sử dụng các phương thức xét tuyển độc lập như: Dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học bạ…; nhóm các ngành, trường sử dụng kết hợp các tiêu chí khác nhau để có mức độ sàng lọc đầu vào cao hơn.
Riêng nhóm kết hợp các tiêu chí khác nhau trong cùng một phương thức sẽ là xu hướng được các trường lựa chọn nhiều trong những năm tới. Với xu hướng này, thí sinh cần tích lũy kiến thức ở bậc học phổ thông thật tốt. Ngoài ra, thí sinh tham khảo thêm cách đánh giá riêng của các trường để có sự chuẩn bị tốt hơn khi tham gia xét tuyển.
Năm nay, một số trường tốp đầu có chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến học hoàn toàn bằng tiếng Anh sử dụng thêm các tiêu chí như: Chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, TOEFL, ACT, SAT trong xét tuyển. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Điều này cũng là bình thường và hợp lý, có tính hội nhập quốc tế cao.
Theo thống kê, tiêu chí về IELTS hay một số chứng chỉ ngoại ngữ khác không phải là tiêu chí duy nhất. Các trường còn căn cứ vào kết quả học tập lẫn Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các thí sinh không nên lo ngại về việc bất công hay không khi mà các trường có thêm tiêu chí như vậy.
Việc tuyển sinh luôn tuân thủ quy tắc và lấy từ trên cao xuống thấp, theo các ngành nghề lĩnh vực và phương thức tuyển sinh mà trường áp dụng. Tiếp đến phụ thuộc vào nguyện vọng đăng ký của thí sinh vào từng phương thức. Nếu thí sinh chưa trúng tuyển bằng phương thức này vẫn có cơ hội để trúng tuyển bằng phương thức khác, đúng năng lực của mình.
Nhìn nhận năm 2022 tuyển sinh không có nhiều biến động, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – cho hay: Bộ GD&ĐT khuyến cáo các cơ sở đào tạo, khi có thay đổi lớn trong đề án tuyển sinh phải công bố trước cho toàn xã hội để thí sinh có thời gian chuẩn bị tâm lý và tổ chức học tập đạt được kết quả tốt. Không được gây cản trở lớn cũng như mất công bằng cho thí sinh.
Nhấn mạnh dự báo nhu cầu về nhân lực của các địa phương, các ngành đóng vai trò quan trọng, để định hướng cho xã hội và thí sinh, theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, đây là cơ sở để thí sinh nhìn nhận lĩnh vực nào là cần thiết và quan trọng trong phát triển kinh tế tương lai, trong trung hạn và dài hạn. Mong rằng, dự báo nhu cầu này sẽ được tiến hành một cách đồng bộ ở các địa phương, lĩnh vực ngành nghề. Riêng trong lĩnh vực sư phạm, đào tạo giáo viên, Bộ GD&ĐT đã có những đánh giá về nhu cầu để phân bổ chỉ tiêu cho các lĩnh vực đào tạo và các địa phương.
TS Võ Thanh Hải khuyến cáo, thí sinh cần chú ý đến tiêu chí phụ của các trường, nhất là với những phương thức xét tuyển riêng. Điều này phụ thuộc vào tiêu chí của các trường và không trường nào giống nhau. Vì thế, thí sinh đặc biệt lưu ý để không bị “trượt oan”. Ngoài ra, các em cần xem kỹ thông tin tuyển sinh của ngành học, trường học mà mình dự định đăng ký xét tuyển.
“Đặc biệt, thí sinh cần đăng ký nhiều hơn 2 nguyện vọng cho ngành mà mình dự định đăng ký xét tuyển, tránh tình trạng 29 điểm vẫn trượt như mùa tuyển sinh năm trước. Khi đã chọn được ngành học ưng ý để quyết tâm theo học, các em nên chọn cùng một lúc nhiều phương thức xét tuyển khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyến” - TS Võ Thanh Hải lưu ý.
Qua một số chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, TS Võ Thanh Hải nhận thấy, thời điểm này đa số thí sinh quan tâm đến những ngành nghề cụ thể. Nhiều em có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, nên đặt câu hỏi rất sâu. Đây là nét mới so mới so với những năm trước. “Tôi cho rằng, đó là kết quả sau nhiều năm làm công tác phân luồng và truyền thông của Bộ GD&ĐT rất tốt” - TS Võ Thanh Hải trao đổi.
Dù có nhiều khối ngành xét tuyển thì khối ngành truyền thống mà các em theo đuổi từ lớp 10 vẫn nên giữ nguyên. Đối với phương thức xét tuyển bằng Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT cho phép điều chỉnh sau khi thí sinh có kết quả. Khi đó, thí sinh nên chọn tổ hợp môn có điểm thi cao nhất để tham gia xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng. TS Võ Thanh Hải